Mỹ viện trợ 2,6 tỷ USD cho Ukraine, cam kết đồng hành trong cuộc chiến

chiến sự Nga - Ukraine
08:31 - 05/04/2023
Binh sĩ Ukraine trên xe bộ binh tại khu vực gần Bakhmut, ngày 3/4. Ảnh: AFP
Binh sĩ Ukraine trên xe bộ binh tại khu vực gần Bakhmut, ngày 3/4. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ ngày 4/4 công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 2,6 tỷ USD, trong đó bao gồm các loại đạn cho hệ thống pháo phản lực HIMARS và hệ thống phòng không Patriot.

"Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine, trước mắt là đáp ứng nhu cầu của Kiev trên chiến trường và các yêu cầu hỗ trợ an ninh dài hạn", Lầu Năm Góc cho biết trong tuyên bố về gói viện trợ quân sự 2,6 tỷ USD, theo AFP.

Gói hỗ trợ bao gồm 500 triệu USD khí tài từ kho dự trữ vũ khí của Mỹ, bao gồm các loại đạn cho hệ thống pháo phản lực HIMARS, hệ thống phòng không Patriot, hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), súng phóng lựu, 61 xe chở nhiên liệu hạng nặng và nhiều loại đạn dược khác.

Mỹ viện trợ 2,6 tỷ USD cho Ukraine, cam kết đồng hành trong cuộc chiến ảnh 1

Binh sĩ Mỹ vận chuyển đạn pháo gửi đến Ukraine tại căn cứ không quân Dover, bang Delaware, tháng 4/2022. Ảnh: AP

Mỹ phân bổ 2,1 tỷ USD còn lại vào quỹ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) để mua các loại đạn, radar và vũ khí từ ngành công nghiệp quốc phòng thay vì rút ra từ kho vũ khí của nước này.

Với công bố trên, Mỹ đã 35 lần viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine kể từ tháng 8/2021. Tổng viện trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev kể từ khi cuộc xung đột bùng phát hồi tháng 2/2022 lên tới hơn 35,1 tỷ USD, theo Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Gói hỗ trợ an ninh mới này sẽ cho phép Ukraine tiếp tục dũng cảm tự bảo vệ mình trước cuộc xung đột với Nga", Ngoại trưởng Anthony Blinken cho biết trong một thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh rằng Washington cùng các đồng minh và đối tác “sẽ đoàn kết với Ukraine cho đến chừng nào còn có thể”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết: “Ukraine đánh giá rất cao mọi việc mà Mỹ đã làm đặc biệt trong tháng trước để giúp quân đội của chúng tôi chuẩn bị cho cuộc phản công. Chính quyền Tổng thống Biden đã giữ vững cam kết cung cấp cho Ukraine rất nhiều thứ chúng tôi cần và làm gương cho các đồng minh khác”.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết, Washington “sẽ sớm hỗ trợ các tiểu đoàn xe tăng bọc thép mới thành lập của Ukraine cũng như xe tăng Abrams mà Mỹ đã cam kết”.

Dòng viện trợ quân sự khổng lồ cho Ukraine đã làm dấy lên lo ngại rằng các loại khí tài có thể bị lạm dụng. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã nhiều lần khẳng định rằng các nỗ lực giám sát đã không đưa ra bằng chứng về sự lạm dụng phổ biến.

Ngoài việc cung cấp thiết bị quân sự, các nước phương Tây cũng đang hỗ trợ huấn luyện lực lượng của Ukraine. Lầu Năm Góc tuần trước cho biết hơn 7.000 quân nhân Ukraine đã được Washington huấn luyện kể từ tháng 2/2022, trong đó có 65 người đã hoàn thành khóa huấn luyện tại Mỹ về hệ thống Patriot.

Quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ cho biết việc huấn luyện vận hành xe tăng Abrams cho quân đội Ukraine vẫn chưa bắt đầu, nhưng cho biết “điều đó sẽ sớm diễn ra”.

Nga hiện chưa bình luận về gói viện trợ quân sự mới mà Mỹ dành cho Ukraine.

Điện Kremlin trước đó đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự mà không thay đổi được kết quả cuối cùng. Moscow cũng cho rằng việc phương Tây cung cấp vũ khí, chia sẻ thông tin tình báo và huấn luyện quân đội Kiev khiến họ trở thành các bên tham gia vào cuộc xung đột hiện nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp