Điện Kremlin: 'Phần Lan gia nhập NATO là hành động tấn công an ninh Nga'

Phần Lan NATO
07:38 - 05/04/2023
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto trao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto trao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước sự chứng kiến của Tổng thư ký Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Phần Lan ngày 4/4 chính thức trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi hoàn tất thủ tục gia nhập tại Brussel, Bỉ. Tuy nhiên, Điện Kremlin gọi động thái này là "hành động tấn công an ninh và lợi ích quốc gia Nga".

Bước ngoặt lịch sử của Phần Lan

AFP đưa tin, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã trao văn kiện gia nhập của Phần Lan cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Brussels, đánh dấu việc nước này chính thức gia nhập NATO.

"Với việc nhận được văn kiện gia nhập này, bây giờ chúng tôi có thể tuyên bố rằng Phần Lan là thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố.

“Hoan nghênh Phần Lan đến với liên minh”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu. “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố mục tiêu của cuộc chiến ở Ukraine là đóng cánh cửa của NATO. Nhưng ông ấy đang nhận về kết quả hoàn toàn ngược lại”.

Điện Kremlin: 'Phần Lan gia nhập NATO là hành động tấn công an ninh Nga' ảnh 1

Quốc kỳ Phần Lan được treo bên cạnh quốc kỳ của 30 quốc gia thành viên NATO tại trụ sở Brussels. Ảnh: Reuters

Sau đó, một lễ thượng cờ Phần Lan trước trụ sở NATO đã được tổ chức với sự tham gia của các quan chức cấp cao của quốc gia này và các thành viên NATO. Quốc kỳ Phần Lan đã được treo bên cạnh quốc kỳ của 30 quốc gia thành viên khác của NATO, đúng vào dịp kỷ niệm 74 năm ngày ký Hiệp ước Wasington – tiền đề của khối.

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Phần Lan trở nên an toàn hơn nhờ thuộc về NATO - nơi chúng tôi đảm bảo an ninh cho tất cả các đồng minh. Với việc trở thành một thành viên chính thức, chúng tôi đang loại bỏ khả năng tính toán sai lầm của Moscow về sự sẵn sàng của NATO để bảo vệ Phần Lan. Điều đó giúp Phần Lan an toàn hơn và NATO mạnh hơn”.

Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Saul Niinisto cho biết: “Đây là một ngày tuyệt vời đối với Phần Lan và cũng là một ngày quan trọng đối với NATO. Kỷ nguyên không liên kết quân sự trong lịch sử của chúng tôi đã kết thúc. Một kỷ nguyên mới bắt đầu”.

Nhà lãnh đạo này cũng bày tỏ hy vọng nước láng giềng Thụy Điển sẽ sớm được gia nhập NATO. "Tư cách thành viên của Phần Lan không hoàn chỉnh nếu không có Thụy Điển", ông Niinisto nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày đã bày tỏ “niềm tự hào” chào đón Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. “Có thêm đồng minh mới nhất là Phần Lan, cùng nhau - chúng ta sẽ tiếp tục duy trì an ninh xuyên Đại Tây Dương, bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ của NATO”, ông Biden cho biết một tuyên bố.

Ông Biden cũng bày tỏ “mong chờ chào đón Thụy Điển vào NATO sớm nhất có thể”.

Phản ứng của Nga

Trong khi đó, Điện Kremlin cùng ngày tuyên bố tư cách thành viên NATO của Phần Lan là một “hành động tấn công vào an ninh và lợi ích quốc gia của Nga”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết “tình hình mới nhất đang nghiêm trọng hơn” và “buộc Moscow phải thực hiện các biện pháp đối phó về mặt chiến thuật và chiến lược”.

Điện Kremlin: 'Phần Lan gia nhập NATO là hành động tấn công an ninh Nga' ảnh 2

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Sputnik

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết việc Phần Lan gia nhập NATO làm tăng nguy cơ xung đột ở Ukraine leo thang hơn nữa.

Chính phủ Phần Lan và NATO hiện chưa lên tiếng bình luận về phản ứng trên của Điện Kremlin.

Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin nhập NATO vào tháng 5/2022. Với việc được kết nạp vào khối, Phần Lan đã lập kỷ lục về thời gian khi chỉ mất hơn 10 tháng để được trở thành thành viên chính thức của NATO.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn đang trì hoãn việc phê duyệt nỗ lực xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Thụy Điển đã không tích cực trong việc trấn áp nhóm người Kurd - tổ chức mà Ankara xem là khủng bố. Trong khi đó, Hungary nói Thụy Điển đã từng có những chỉ trích đối với các chính sách của Thủ tướng Viktor Orban.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary sẽ sớm chấp nhận tư cách thành viên của Thụy Điển.

Tin liên quan

Đọc tiếp