Xưởng đúc của nhà máy luyện nhôm Rusal Krasnoyarsk ở Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: Reuters |
Theo một quan chức Nhà Trắng trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 12/10, Mỹ vẫn đang xem xét mọi lựa chọn trừng phạt Nga và vẫn chưa quyết định nước đi nào sẽ được thực hiện.
Cụ thể, các lựa chọn của chính quyền Mỹ sẽ bao gồm một lệnh cấm hoàn toàn hay là nâng thuế quan lên ngưỡng cao tới mức tạo thành một lệnh cấm có hiệu lực. Theo báo cáo của Bloomberg, một phương án khác được cân nhắc tại đây chính là trừng phạt United Co Rusal International PJSC hay Rusal - nhà sản xuất kim loại lớn nhất của Nga.
Ngoài việc là nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Nga, Rusal cũng đồng thời là nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc. Trong năm 2022, tập đoàn này cung cấp tới 6% nhu cầu thế giới với ước tính khoảng 70 triệu tấn.
Tuy nhiên nếu biện pháp trên thực sự được thực thi, động thái này gần như chắc chắn sẽ làm tăng giá nhôm toàn cầu - một kim loại vốn được sử dụng rộng rãi trong nhiều loại sản phẩm tiêu dùng. Do đó, nó sẽ đi ngược lại lập trường trước đây của Nhà Trắng rằng các lệnh trừng phạt tương tự có thể tàn phá thị trường toàn cầu.
Ngoài Washington, Sàn giao dịch kim loại London (LME) vào tuần trước cũng đã công bố một tài liệu thảo luận về khả năng cấm nhôm, niken và đồng của Nga được giao dịch và lưu trữ trong hệ thống của mình.
Dù vậy theo các nguồn tin trong ngành công nghiệp kim loại của Reuters, nhiều người lo ngại một khi không thể bán sản phẩm của mình, các nhà sản xuất kim loại của Nga sẽ chuyển chúng đến các kho LME đã đăng ký, từ đó dẫn tới sai lệch giá cả.
Hiện cả Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ cũng như tập đoàn Rusal đều chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Ngay sau khi tin tức này nổ ra, cổ phiếu của nhà sản xuất nhôm có trụ sở tại Mỹ là Alcoa Corp đã giao dịch lần cuối với mức tăng 5,1% tại New York trong khi cổ phiếu của Rio Tinto, công ty sản xuất nhôm cũng như quặng sắt, đồng và các kim loại khác, đã giảm khoảng 1% tại London trong cùng ngày,
Giá nhôm trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng vọt hôm 12/10 sau khi Bloomberg đưa tin chính phủ Mỹ đang xem xét lệnh cấm đối với nhôm của Nga để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine. Tới cuối phiên giao dịch, giá nhôm định mức tăng 3,3% lên 2,309 USD / tấn sau khi tăng vọt 7,3% lên 2.400 USD / tấn trước đó.
Trên thực tế, giá nhôm cũng đã từng tăng 30% trong vòng vài ngày hồi năm 2018 sau khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với kim loại của Rusal trong khi LME cấm giao dịch kim loại từ tập đoàn này.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các nước phương Tây và Mỹ đã nhiều lần tiến hành các vòng trừng phạt với mục tiêu bóp nghẹt nền kinh tế Nga và cắt đứt nguồn trợ giúp tài chính cho chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, các lệnh hạn chế lên kim loại của Nga vẫn chưa từng được đưa vào diện cấm vận.