Bão Mocha đổ bộ vào bang Rakhine của Myanmar và Bangladesh ngày 14/5, trong đó quốc gia Đông Nam Á hứng chịu hậu quả nặng nề hơn. Với sức gió lên tới 210 km/h, cơn bão này bắt đầu suy yếu thành áp thấp nhiệt đới từ trưa ngày 15/5.
Được nhận định là một trong những cơn bão có sức tàn phá nhất trong một thập kỷ, bão Mocha gây ra lũ quét, mất điện trên diện rộng trong khi gió lớn khiến nhiều tòa nhà tốc mái và nhiều tháp viễn thông hư hỏng.
Theo AP trích dẫn đài truyền hình nhà nước MRTV của Myanmar ngày 16/5, quốc gia này ghi nhận 21 người thiệt mạng trong khi thiệt hại tài sản bao gồm và 11.532 ngôi nhà, 73 tòa nhà tôn giáo, 47 tu viện, 163 trường học, 29 bệnh viện và phòng khám cùng 112 tòa nhà chính phủ.
Nhiều khu vực sâu trong đất liền cũng chịu hư hại, trong đó bao gồm thành phố trung tâm Bagan - di sản thế giới được UNESCO công nhận và từng là thủ đô của Myanmar 10 thế kỷ trước. Mưa lớn đã gây ra lũ lụt làm suy yếu nền móng của ít nhất 4 ngôi chùa tại đây. Trong bối cảnh đó, MRTV đưa tin người đứng đầu chính phủ quân sự Myanmar là Thượng tướng Min Aung Hlaing đã đến thăm Bagan hôm 16/5 để kiểm tra thiệt hại.
Hiện các cơ quan chức năng của Myanmar vẫn đang tiếp tục thu thập thông tin, tuy nhiên mức độ thương vong cùng thiệt hại khó có thể xác định chính xác do các cơ sở viễn thông chưa thể khôi phục ngay lập tức. Chính phủ Myanmar hiện đã ban hành tuyên bố thảm họa cho 17 thị trấn ở Rakhine và 4 thị trấn ở bang Chin, phía bắc Rakhine.
Mặt khác, để có thể giúp đỡ và tiếp cận những người bị ảnh hưởng bởi bão tại Myanmar, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric trong cùng ngày kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo về các mảng y tế, hàng cứu trợ, nơi trú ẩn, nước và vệ sinh.
Quang cảnh thiệt hại do bão Mocha nhìn từ trên cao tại Sittwe, Rakhine, Myanmar ngày 15/5. Ảnh: Nhóm thông tin True News của Quân đội Myanmar |
Ở một diễn biến khác, Bangladesh cũng chịu thiệt hại do bão nhưng may mắn không ghi nhận trường hợp tử vong nào. Để chuẩn bị tránh bão, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết các nhà chức trách trước đó đã tiến hành di dời hơn 700.000 người dân đến nơi trú ẩn hoặc các cơ sở tạm thời bao gồm trường học và nhà thờ Hồi giáo. Những người sống tại trại tị nạn lớn nhất thế giới ở quận Cox's Bazar của quốc gia này cũng đã được chuyển đến các khu vực an toàn hơn cho đến khi bão Mocha đi qua.
Dù vậy, cơn bão này vẫn gây ra thiệt hại lớn và các cơ quan viện trợ tại Bangladesh bao gồm Dịch vụ Cứu trợ Công giáo đều bày tỏ các lo ngại liên quan tới sạt lở đất và lũ quét cũng như công tác viện trợ sau bão.
Nhận định về tình hình, bà Alexia Riviere, điều phối viên khẩn cấp tại Bangladesh tại Dịch vụ Cứu trợ Công giáo cho biết: "Mặc dù cơn bão không tấn công trực tiếp vào các khu định cư của người tị nạn như nhiều người lo ngại, nó vẫn gây ra thiệt hại lớn".
“Là một tổ chức viện trợ, chúng tôi cần phải đối diện với thực tế là các cộng đồng bị thiệt thòi đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương hơn mỗi năm. Vì vậy, việc chuẩn bị càng nhiều càng tốt cho những điều không thể tránh khỏi là rất quan trọng".
Người dân tại Teknaf, Bangladesh rời nhà tới nơi trú ẩn an toàn hơn ngày 14/5. Ảnh: Reuters |