Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo “Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam”. |
Các chuyên gia đến từ Na Uy, Vương quốc Anh và một số quốc gia khác đã chia sẻ những khuyến nghị liên quan tới quy hoạch đại dương bền vững, phân vùng trong Quy hoạch không gian biển, phát triển điện gió ngoài khơi.
Tại hội thảo “Điện gió ngoài khơi và Quy hoạch không gian biển Việt Nam”, ngày 20/4, chia sẻ kinh nghiệm của Na Uy trong lập kế hoạch và phân vùng đại dương bền, ông Peter M Haugan, Giám đốc Chính sách Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy cho biết, việc phát triển điện gió ngoài khơi sẽ có những rủi ro liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Do đó, cần đánh giá tác động môi trường và rủi ro cụ thể của ngành tới phúc lợi động vật.
Ông Peter M Haugan nhìn nhận, Việt Nam đang ở giai đoạn tương đối sớm trong quá trình xây dựng tài liệu quy hoạch vùng ven biển và quản lý bền vững tài nguyên cũng như tài liệu quy hoạch không gian biển.
Đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam từ kinh nghiệm của Na Uy, ông Peter M Haugan lưu ý, Việt Nam không nên xây dựng các trang trại điện gió ở những khu vực đặc biệt quan trọng đối với một số loài nhất định, như khu vực sinh sản quan trọng và tuyến đường di cư của cá, khu vực ăn hoặc thả lưới đánh bắt đối với một số loài động vật biển có vú nhất định.
Việc xây dựng các trang trại điện gió cũng nên tránh những khu vực đặc biệt nhạy cảm hoặc có giá trị thủy sản lớn. Tránh xây dựng trong giai đoạn sinh sản của cá, giai đoạn động vật biển có vú ăn và thả lưới đánh bắt nếu có kế hoạch xây dựng gần các khu vực diễn ra các hoạt động sinh học.
Quy hoạch không gian biển đảm bảo phát triển điện gió ngoài khơi hài hòa với nuôi trồng thủy sản. Ảnh: VGP. |
Giám đốc Chính sách Viện Nghiên cứu Hải dương Na Uy cũng khuyến nghị Việt Nam cần có hướng dẫn rõ ràng về việc ngừng hoạt động sau khi kết thúc giai đoạn vận hành các trang trại điện gió. Sử dụng các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn như màn bong bóng, các vật liệu để neo các tuabin nổi tạo ra ít âm thanh nhất trong quá trình chuyển động của các tuabin.
“Cùng với đó là giám sát các thay đổi vật lý và sinh học trong khu vực trong giai đoạn vận hành và sau khi ngừng hoạt động. Có các nghiên cứu/khảo sát đầu kỳ về các khu vực đó trước khi xây dựng định kỳ 3 năm/lần”, ông Peter M Haugan nói.
Một chia sẻ kinh nghiệm khác đến từ ông Martin Goff , Chuyên gia Quy hoạch không gian biển tại Vương quốc Anh cho rằng, Việt Nam cần xác định phân vùng các khu vực ưu tiên trong quy hoạch điện gió.
Trong đó, các khu vực triển vọng nhất được ưu tiên khảo sát chi tiết: Điểm đấu nối lưới điện trên bờ, các tuyến cáp vào bờ. Đối với khu vực có thể phát triển, cần thu thập thông tin tổng thể. Khu vực có mật độ đánh bắt cá cao, mật độ chim cao và địa chất phức tạp sẽ cần loại ra.
Các chuyên gia đều cho rằng, bằng cách tạo ra một khuôn khổ quyết định và huy động sự tham gia của các bên liên quan, Quy hoạch không gian biển có thể đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt xã hội và môi trường của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken gợi mở, một phương pháp tiếp cận hiệu quả trong quản lý đại dương đang là công cụ hữu ích đối với Na Uy. Một quy hoạch không gian biển sẽ giúp đại dương được quản lý bền vững, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn chung về một tương lai xanh, bền vững và thịnh vượng.
“Bằng cách chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, chúng ta có thể đảm bảo mọi ngành và lĩnh vực đều được hưởng lợi từ đại dương mà vẫn có thể bảo tồn được hệ sinh thái biển và đa dạng sinh học. Vì vậy, chúng tôi cam kết hợp tác với các đối tác tại Việt Nam trong đó có UNDP và các Bộ/ngành quan trọng của Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, bảo vệ môi trường biển và hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam”, Đại sứ Solbakken nhấn mạnh.