Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận. |
Tại buổi lễ, trao cho tỉnh Bình Thuận Quyết định 1701/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thời ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng những thành tựu nổi bật mà Bình Thuận đã đạt được trong chặng đường vừa qua.
Tận dụng những lợi thế khác biệt, vị trí địa lý chiến lược cùng với sự nỗ lực không ngừng, phát huy bản lĩnh sáng tạo vượt qua khó khăn, phát triển mạnh mẽ, Bình Thuận đang trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng.
Quy mô nền kinh tế tỉnh đạt 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 25 lần so với thời điểm tái lập tỉnh năm 1992; GRDP năm 2023 tăng 8,1%, xếp thứ 14/63 tỉnh thành trong cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ và kết nối, chia sẻ…
Phó Thủ tướng cho rằng, với điều kiện và lợi thế riêng, Bình Thuận được xác định là một trung tâm công nghiệp về năng lượng sạch và du lịch biển là kinh tế mũi nhọn, gắn với du lịch sinh thái. Bình Thuận là một trong những điểm đến trên con đường di sản miền Trung và sẽ trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh, bền vững, làm giàu từ biển.
Quy hoạch Bình Thuận được công bố hôm nay là bước khởi đầu mang tính định hướng không gian phát triển, theo sự liên kết giữa các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ cũng như các vùng kinh tế xã hội khác như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ…, Phó Thủ tướng nói.
Từ đó, Bình Thuận phải tận dụng tiềm năng lớn về nắng, gió cho phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với mô hình thuỷ điện tích năng nhằm tạo ra nguồn điện xanh, ổn định, cân bằng cho hệ thống điện. Đây là lợi thế đột phá để tỉnh thu hút các nhà đầu tư trong xu thế chuyển đổi xanh của toàn cầu.
Bên cạnh đó, các hồ, đập thuỷ điện tích năng cũng là giải pháp hiệu quả để bảo đảm nguồn nước cho đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong mùa khô hạn.
Về du lịch, Bình Thuận tiếp tục đổi mới cách thức thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch, trên cơ sở phát huy tiềm năng biển, đảo gắn với thám hiểm, thể thao, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Cùng với đó, tài nguyên văn hóa cũng là nguồn cảm hứng, hấp dẫn rất đặc biệt đối với du khách.
Bên cạnh các ngành kinh tế phi nông nghiệp, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bình Thuận cần đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp theo hướng vùng sản xuất, chế biến sâu, gắn với hạ tầng thuỷ lợi.
"Với quyết tâm, khát vọng, sáng tạo, Bình Thuận sẽ chuẩn bị thật tốt cho nguồn tài nguyên con người được đào tạo, nắm bắt tri thức tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, đáp ứng được mục tiêu phát triển đã đặt ra trong quy hoạch"
Về phía tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng khẳng định, Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh sắp xếp lại không gian phát triển, hoạch định chính sách, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong nhiều năm tới.
Để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng phát biểu khai mạc Lễ công bố Quy hoạch tỉnh. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận. |
Bên cạnh đó, Bình Thuận sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực Nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển 3 trụ cột:
Về công nghiệp, với nòng cốt là công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao được tổ chức thành các cụm liên kết ngành làm nền tảng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Về du lịch - dịch vụ, với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, thể thao biển; dịch vụ đào tạo và nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ; dịch vụ logistics.
Về nông nghiệp, tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp.
Với chủ đề “Bình Thuận - Nơi đáng sống - Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư”, Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư năm 2024 còn là cơ hội giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của Bình Thuận. Tại đây, các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý, hiến kế để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Thuận phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.
Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, UBND tỉnh Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng khu cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, năng lượng, khoáng sản….