NATO muốn tăng sản xuất đạn dược vì Ukraine tiêu thụ quá nhanh

chiến sự Nga - Ukraine
08:40 - 14/02/2023
NATO cho biết thời gian chờ nhận hàng đối với đạn cho vũ khí cỡ nòng lớn tăng từ 12 lên 28 tháng. Ảnh: Reuters
NATO cho biết thời gian chờ nhận hàng đối với đạn cho vũ khí cỡ nòng lớn tăng từ 12 lên 28 tháng. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký NATO kêu gọi khối quân sự cần đẩy mạnh sản xuất đạn dược, trong bối cảnh tốc độ tiêu thụ của Ukraine vượt xa năng lực hiện tại của ngành công nghiệp quốc phòng và làm cạn kiệt kho dự trữ.

"Cuộc chiến tại Ukraine đang tiêu tốn lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của đồng minh", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/2 thừa nhận, theo AFP.

"Tốc độ tiêu thụ đạn dược hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần so với năng suất sản xuất hiện tại của chúng ta. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta vào tình trạng căng thẳng", ông nhận định.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Ông Stoltenberg cũng chỉ ra rằng NATO đang đối mặt với "một vấn đề" khi thời gian chờ nhận hàng đối với đạn cho vũ khí cỡ nòng lớn tăng từ 12 lên 28 tháng. Tuy nhiên, ông Stoltenberg khẳng định các bước mà liên minh quân sự đã thực hiện "cho phép chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine, cũng như bổ sung nguồn dự trữ chính của mình".

Tổng thư ký NATO cho biết các đồng minh đã thảo luận về yêu cầu của Ukraine về việc viện trợ máy bay chiến đấu hiện đại. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh trọng tâm chính của khối là đảm bảo số lượng vũ khí cần thiết được chuyển tới Ukraine đúng thời hạn và các đồng minh thực hiện tốt các cam kết đã đưa ra về pháo hạng nặng và xe bọc thép.

"Rõ ràng là chúng ta đang trong cuộc đua về hậu cần. Các năng lực chính như đạn dược, nhiên liệu và phụ tùng thay thế phải đến được Ukraine trước khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường", ông Stoltenberg tuyên bố.

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ, ngay cả trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, nhiều quốc gia NATO đã không đáp ứng được các mục tiêu dự trữ của liên minh.

Tốc độ vận chuyển đạn dược tới Ukraine - nơi quân đội Kiev đang tiêu thụ tới 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày, đã làm cạn kiệt kho dự trữ của phương Tây và bộc lộ những lỗ hổng về hiệu quả, tốc độ và nhân lực của chuỗi cung ứng.

“Nếu châu Âu chuẩn bị chiến đấu với Nga, một vài quốc gia sẽ cạn kiệt đạn dược chỉ trong vài ngày”, nhà ngoại giao châu Âu nhận định.

Quan chức này cho biết NATO vừa hoàn thành một cuộc khảo sát đặc biệt về kho vũ khí còn lại. “Phần lớn các mục tiêu về kho dự trữ đạn dược của NATO không được đáp ứng, ngay cả trước khi xung đột Ukraine nổ ra”, người này cho hay.

NATO tìm cách tăng sản lượng và giảm thời gian sản xuất đạn dược để chạy đua viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters

NATO tìm cách tăng sản lượng và giảm thời gian sản xuất đạn dược để chạy đua viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Đại sứ Mỹ tại NATO Julianne Smith cho biết liên minh đang tìm cách bắt tay với ngành công nghiệp quốc phòng để tăng sản lượng và giảm thời gian sản xuất. “Điều này vô cùng cần thiết để đảm bảo rằng chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ Ukraine, đồng thời đảm bảo rằng chúng ta có thể cùng nhau bảo vệ lãnh thổ của đồng minh,” bà nói.

Tuần trước, trong chuyến công du tới Anh, Pháp, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ tới các đồng minh về việc gửi máy bay chiến đấu tới Kiev. Ngay sau đó, ông Zelensky đã nhận được sự cam kết từ Anh về việc đào tạo phi công, nhưng chưa có bất kỳ lời hứa nào về chuyển giao máy bay phương Tây.

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần kêu gọi tập thể phương Tây ngừng bơm vũ khí hiện đại cho Ukraine, cảnh báo rằng việc viện trợ quân sự đang diễn ra sẽ chỉ kéo dài chiến sự và có nguy cơ leo thang thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp bước sang năm thứ hai nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hiện tại, thành phố Bakhmut và các khu vực vùng Donbass ở miền Đông Ukraine là mặt trận giao tranh khốc liệt nhất. Cả Nga và Ukraine đều dồn toàn lực, bao gồm quân nhân và khí tài quân sự, để giành được thành phố chiến lược này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.