Ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển Bền vững, Tập đoàn Nestle. Ảnh: TTXVN. |
Tại Tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam", ngày 27/4, ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestle cho biết, trong mục tiêu đưa phát thải ròng về không của Việt Nam, Nestle mong muốn trở thành một doanh nghiệp đạt phát thải bằng không.
Thông tin về hành động cụ thể mà Nestle đang tiến hành, ông Chris Hogg cho biết, Nestle đang tiến hành đóng gói một cách bền vững, 95% bao bì đóng gói của Nestle có thể tái chế đến năm 2025 và nâng lên mức 100% trong tương lai, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
Một mục tiêu khác mà Nestle đang theo đuổi là thúc đẩy, khơi dậy người nông dân Việt Nam làm nông nghiệp tái sinh. Theo ông Chris Hogg, vấn đề chuyển đổi từ hoạt động nông nghiệp thông thường sang tái sinh cần có hoài bão mới có thể thực hiện được những bước mạnh mẽ hơn.
Ảnh: VGP. "Nestle mong muốn chung tay cùng chuỗi cung ứng của chúng tôi, cùng sự tham gia của 600.000 nhà nông trên khắp thế giới và những cấp độ khác nhau để cùng họ tạo nên tác động đối với quá trình sản xuất. Trong toàn bộ quy trình đó, Nestle khuyến khích người nông dân có những giải pháp nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải”.
Trong mục tiêu đó, người nông dân chính là trung tâm, là động lực của sự chuyển đổi. “Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài không phải đến đây nói người nông dân phải làm điều này, điều kia mà chúng tôi lắng nghe nhà nông Việt Nam và tìm hiểu những thách thức của họ đang gặp phải, qua đó tạo họ các cơ hội”, ông Chris Hogg nói.
Đại diện Nestle chia sẻ về cách thức làm điều này là không phải thúc giục người nông dân mà chứng minh cho họ thấy những giải pháp mới sẽ giúp hệ thống canh tác hiệu quả hơn và bảo tồn hệ sinh thái, sinh học.
Nestle đã có những hành động cụ thể như tặng, phân phối hơn 64 triệu cây cà phê giống chất lượng cao. Nestle cũng mong muốn tiếp tục có những hoạt động, như trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR).
“Việt Nam có thể nhìn Nestle như một đối tác và chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong ‘chương trình nghị sự xanh’. Chúng tôi khát khao muốn làm được nhiều hơn nữa và chúng ta có những hoài bão như thế để bảo vệ, tái sinh, kết nối, lưu giữ ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới”, ông Chris Hogg nhấn mạnh.
Thông tin về tình hình xanh hóa ngành nông nghiệp của Việt Nam, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh, Bộ NN&PTNT bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030.
Việt Nam đã có Chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Ảnh: TTXVN. |
Ngay từ đầu năm 2022, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành theo Chiến lược tăng trưởng xanh chung của Chính phủ. Hiện nay, phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm hoàn toàn có thể đạt được “Net Zero” theo đúng cam kết với Chính phủ.
Thời gian qua, trước những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế, dịch bệnh, biến đổi khí hậu nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhân tố quan trọng để ổn định đất nước. Ngành cũng đã đạt được những thành tựu ấn tượng về xuất khẩu khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.
“Đáng lưu ý, ngành nông nghiệp có rất nhiều tiềm năng cho việc đầu tư các vùng rừng, nông lâm kết hợp, tạo thành các “bể carbon”, đóng vai trò rất quan trọng trong việc trung hòa carbon. Nếu các ngành công nghiệp phát thải dương thì sẽ có ngành nông nghiệp đảm nhiệm hấp thụ carbon và như vậy mới có thể đảm bảo được Net Zero, trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam”, ông Đào Thế Anh nói.
Bên cạnh việc đề cập đến vai trò quan trọng của các doanh nghiệp, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các hợp tác xã và các nông hộ nhỏ cần được tuyên truyền về phát triển xanh, sản xuất nông nghiệp sinh thái, tiêu dùng bền vững thì mới có thể đảm bảo vai trò trung hòa carbon của ngành nông nghiệp.