'Nếu thủ tục thông thoáng hơn, doanh nghiệp Việt sẽ ồ ạt đầu tư sang Lào'

TTC Sugar Mía đường
15:37 - 02/09/2022
Công ty mía đường của TTC Sugar tại Lào.
Công ty mía đường của TTC Sugar tại Lào.
0:00 / 0:00
0:00
Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Ngữ, CEO TTC Sugar tại chương trình giao lưu “Nâng tầm hợp tác, thúc đẩy hoạt động thương mại - đầu tư doanh nghiệp Việt Nam - Lào”, do Tạp chí Mekong ASEAN phối hợp cùng Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức.

Mong sáng đi tối về như Malaysia và Singapore

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 211 dự án đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng ký 5,2 tỷ USD. Nhiều dự án của doanh nghiệp Việt đã đi vào hoạt động đạt hiệu quả tốt, có đóng góp nhiều mặt cho phát triển kinh tế - xã hội của Lào và được Chính phủ hai nước ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Ngữ - Tổng giám đốc CTCP Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC Sugar, mã chứng khoán SBT), quy mô hợp tác giữa hai quốc gia còn khiêm tốn khi hiện kim ngạch thương mại mới đạt 1,3 tỷ USD, Việt Nam đứng thứ 3 trong các nước có quan hệ thương mại với Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).

Ông Ngữ cho rằng, các chính sách lớn để thúc đẩy quan hệ giao thương giữa 2 nước như ưu đãi, thuế quan đã cơ bản tốt. Nhưng thực tế, thủ tục nhập khẩu qua Lào và vào việt Nam còn nhiều, thời gian chưa thông thoáng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Một số mặt hàng phụ tùng nhập khẩu gặp vấn đề về hạn ngạch thương mại (quota), một số bị loại ra, phải đóng thuế nhập khẩu cao.

Vấn đề lớn nữa ông Ngữ đề cập là con người, nguồn lao động. Hiện theo quy định của Nhà nước Lào thì các công ty chỉ được phép sử dụng 10% lao động Việt Nam. Quy định này đưa doanh nghiệp vào thế khó để có thể phát triển nhanh. Doanh nghiệp rất muốn sử dụng người Lào nhưng quá trình tuyển rất vất vả mà vẫn không đáp ứng đủ.

Điểm thứ ba ông Ngữ nói đến là giao thông, thủ tục qua lại giữa hai nước. Malaysia và Singapore có thể sáng đi về tối đi về, nhưng giữa Việt Nam và Lào thủ tục qua lại vẫn chưa thực sự thuận tiện. Nhất là thời gian dịch bệnh dường như tê liệt, mọi công việc của doanh nghiệp đều phải điều hành từ xa.

Mong muốn của doanh nghiệp Việt Nam là đi sang Lào có thể như đi từ miền Tây lên Sài Gòn. Thủ tục nếu có thì chỉ nên có 1-2 thủ tục đơn giản, có thể xử lý trong ngày. Đồng thời cần áp dụng xử lý qua điện tử để tiết kiệm chi phí và thời gian.

Theo Tổng giám đốc TTC Sugar, nếu giao thông thuận tiện, thủ tục thông thoáng hơn thì doanh nghiệp Việt sẽ đầu tư ồ ạt sang Lào. Như TTC Sugar sẽ đầu tư đa ngành nghề sang Lào chứ không chỉ trong nông nghiệp, đồng thời có thể đóng góp hơn 100 triệu USD cho kim ngạch thương mại hai nước trong 3-5 năm tới.

Kết nối giao thương giữa hai quốc gia tầm Chính phủ thì mục tiêu lớn phải có. Tuy nhiên chúng ta phải bắt đầu từ những việc nhỏ như hạ tầng giao thông, nhân lực, thủ tục thông quan, thủ tục đầu tư… Những vấn đề cơ bản nhỏ này mà hanh thông thì việc xúc tiến đầu tư và nâng tầm về giao thương, về vị thế đối tác giữa hai nước mới thực sự có giá trị bền vững.

Tổng giám đốc TTC Sugar Nguyễn Thanh Ngữ

Cơ hội đầu tư tại Lào vẫn còn rất lớn và triển vọng

TTC Sugar bắt đầu đầu tư sang Lào từ năm 2017, với việc mua lại công ty mía đường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào (HAGL Sugar), trị giá hơn 1.330 tỷ đồng; đồng thời đổi tên thành Công ty TNHH Mía đường TTC Attapeu. Từ diện tích ban đầu là 79,2ha, hiện công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu lên 12.000 ha và mục tiêu năm 2025 là lên 20.000 ha.

Ông Nguyễn Thanh Ngữ chia sẻ, thời gian đầu mới đầu tư tại Lào, công ty cũng gặp nhiều khó khăn do khác biệt về phong tục, văn hoá, di chuyển qua biên giới, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực.

Đặc trưng của ngành nông nghiệp hiện đại là gắn liền với sản xuất chế biến, nhưng người dân Lào chưa quen với canh tác cơ giới và sử dụng khoa học kỹ thuật. Điều này khiến đội ngũ kỹ sư tại nhà máy thiếu hụt, gây khó khăn cho việc nâng cao năng suất sản xuất.

Trước thực trạng đó, TTC Sugar đã định vị lại chiến lược đầu tư tại Lào với mục tiêu phát triển sản phẩm mía đường organic, sản phẩm cao cấp nhằm tiếp cận thị trường châu Âu. Việc này giúp khắc phục bất lợi về việc khó đạt năng suất cao.

Đến hiện tại, chúng tôi nhận thấy đầu tư tại Lào là bước đi chiến lược đúng đắn của TTC Sugar. Chúng tôi đã dần quen với môi trường đầu tư tại đây và tự tin phát triển mở rộng hơn nữa với chính sách tạo điều kiện từ hai Chính phủ”, ông Ngữ cho biết.

Quy trình đóng gói sản phẩm đường organic tại TTC Attapeu (Lào).

Quy trình đóng gói sản phẩm đường organic tại TTC Attapeu (Lào).

Tổng giám đốc TTC Sugar cho biết thêm, hiện cơ hội đầu tư tại Lào vẫn còn rất lớn và triển vọng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với chủ trương của công ty là phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến sâu, tạo giá trị cao. Với chiến lược organic hiện TTC Sugar đang theo đuổi, nếu triển khai trên diện rộng không chỉ đối với cây mía (như cây cà phê, cây ăn quả) thì có thể khẳng định, định vị tên tuổi của Lào trên thị trường organic toàn thế giới.

"Thị trường đường organic rất tiềm năng và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Với chiến lược đặt ra như vậy, có thể 3-5 năm tới, TTC Sugar sẽ lọt top 10 nhà sản xuất đường organic trên thế giới", ông Ngữ chia sẻ.

TTC Sugar hiện là nhà sản xuất đường và các sản phẩm đường số 1 tại Việt Nam với 46% thị phần đường nội địa. Hoạt động của SBT trong ngành mía đường trải dài ở 5 quốc gia là Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore, Australia.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025, TTC Sugar đặt mục tiêu sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Australia lên 20.000 ha ứng dụng công nghệ cao và hướng đến tăng cường trao đổi, phát triển nông nghiệp 4.0.

Ngày 25/8 vừa qua, TTC Sugar đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Công ty tư vấn nông học Farmacist (Queensland, Australia). Với hơn 100 năm kinh nghiệm tư vấn toàn cầu và sở hữu các chuyên gia tư vấn nông học trình độ cao, Farmacist sẽ là đối tác đồng hành cùng SBT phân tích và tư vấn giải pháp trong lĩnh vực nông học, quản trị nông nghiệp hiện đại, khuyến nông tại vùng nguyên liệu hiện hữu tại Việt Nam, Úc, Lào, Campuchia và các vùng nguyên liệu mới của SBT trong thời gian tới.

Thực tế, Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu dân, nhu cầu sử dụng đường khoảng 2 triệu tấn/năm nhưng trong nước mới chỉ sản xuất được 800.000 tấn, còn lại nhập khẩu trên 1 triệu tấn/1 năm. Vì vậy, triển vọng phát triển của TTC Sugar nói riêng và ngành mía đường Việt Nam nói chung vẫn còn rất lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp