Lính cứu hỏa dập lửa trong tòa nhà trường đại học ở Donetsk sau vụ pháo kích đêm 5/8. Ảnh: Reuters |
RT đưa tin, phái đoàn của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) tại Trung tâm Kiểm soát và Điều phối chung (JCCC) ngày 6/8 tố cáo Ukraine đã bắn 4 quả bom chùm 155mm vào trung tâm thành phố vào đêm 5/8, gây ra hỏa hoạn ở 3 quận. Các quả bom chùm được cho là đã phát nổ trên không.
Tòa nhà số 1 của Đại học Kinh tế và Thương mại ở Donetsk bốc cháy. Ảnh: RT |
Trong một bài đăng trên Telegram, Thị trưởng Donetsk Alexei Kulemzin cho biết Đại học Kinh tế và Thương mại Donetsk đã bốc cháy sau vụ pháo kích. Một số tòa nhà chung cư lân cận cũng được báo cáo bị cháy.
"Chúng tôi đang sử dụng 12 bể chứa nước, 3 thang và 100 lính cứu hỏa. Toàn bộ mái nhà đều bị cháy", ông Alexei Kostrubitsky, Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp của DPR cho biết.
Một lính cứu hỏa cắt hàng rào bên ngoài tòa nhà đại học đang bốc cháy sau một vụ pháo kích ở Donetsk. Ảnh: Reuters |
Hãng thông tấn RIA Novosti trích dẫn thông báo từ ông Kostrubitsky và các dịch vụ khẩn cấp cho biết ngọn lửa đã lan rộng ra một khu vực rộng khoảng 1.800 m2 trước khi được khống chế vào đầu ngày 6/8.
Lính cứu hỏa phun nước vào đám cháy ở tòa nhà trường đại học tại Donetsk. Ảnh: Reuters |
Theo JCCC, vụ pháo kích mới nhất diễn ra sau khi ít nhất 3 người thiệt mạng và 10 người bị thương do một cuộc bắn phá của Ukraine vào đầu tuần. Một dân thường cũng thiệt mạng trong một vụ pháo kích khác ở một thị trấn gần đó.
Giới chức Ukraine chưa đưa ra bình luận về cáo buộc dùng bom chùm tại Donetsk.
Hồi đầu tháng 7, chính phủ Mỹ thông báo sẽ gửi bom chùm cho Ukraine như một phần của gói viện trợ an ninh 800 triệu USD, nhằm giúp Kiev tăng cường khả năng chống lại lực lượng Nga, bất chấp sự phản đối và lo ngại từ một số đồng minh và Liên Hợp Quốc.
Washington thừa nhận rằng các loại vũ khí này có thể gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với dân thường, nhưng tuyên bố rằng Kiev đã cam kết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và tránh xa các khu vực đông dân cư.
Đến ngày 20/7, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận rằng Ukraine đã triển khai các loại bom, đạn chùm do Washington cung cấp trên chiến trường, trong nỗ lực nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga.
Trong khi đó, giới chức Nga cảnh báo việc Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine chỉ khiến cuộc xung đột tiếp tục leo thang. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu từng tuyên bố Moscow có bom chùm hiệu quả hơn nhiều so với Washington và lực lượng vũ trang Nga có thể sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương đương để chống lại lực lượng Ukraine.
Hiện có hơn 100 quốc gia, trong đó có nhiều thành viên NATO, đã ký Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) của Liên Hợp Quốc vào năm 2008 do mối nguy hiểm nghiêm trọng của loại vũ khí này gây ra cho dân thường. Tuy nhiên, Ukraine, Mỹ và Nga đều không tham gia công ước này.
Bom chùm là loại bom nổ trên không trung, phát tán các quả bom, đầu đạn nhỏ hơn ra khắp khu vực mục tiêu. Chúng được sử dụng để chống lại người và phương tiện bọc thép hạng nhẹ, đồng thời có xu hướng để lại những quả bom nhỏ chưa kích nổ, có thể tồn tại trong các khu vực xung đột trong nhiều thập kỷ.