'Ngấm' nỗi lo suy thoái, VN-Index giảm điểm mạnh nhưng GAS bất ngờ tỏa sáng

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
16:34 - 17/06/2022
'Ngấm' nỗi lo suy thoái, VN-Index giảm điểm mạnh nhưng GAS bất ngờ tỏa sáng
0:00 / 0:00
0:00

Thị trường chứng khoán thế giới biến động khó lường và nỗi lo các nền kinh tế lớn suy thoái đã ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư trong nước. Sắc đỏ trở lại trong phiên cuối tuần ngày 17/6, thị trường đánh mất hơn 19 điểm xuống 1.217,3 điểm. 

VN-Index đánh mất gần 20 điểm, cổ phiếu chứng khoán chìm trong biển lửa

Phiên giao dịch thứ hai kể từ khi Fed tăng lãi suất, thị trường tài chính quốc tế bất ngờ điều chỉnh mạnh bởi lo ngại về suy thoái kinh tế đã khiến áp lực bán tháo xuất hiện tại thị trường trong nước. VN-Index ngay khi mở cửa phiên giao dịch 17/6 đã lao dốc 25 điểm và có lúc phá điểm tựa 1.200 điểm.

Áp lực bán lan tỏa trên toàn thị trường càng khiến tâm lý nhà đầu tư suy yếu nghiêm trọng, lực cầu gần như yếu ớt trước lực bán khiến số mã giảm giá cao gấp 6-7 lần số mã tăng giá.

Cuối phiên, chỉ số của sàn HoSE giảm hơn 19 điểm (1,56%) xuống 1.217,3 điểm. VN30-Index giảm hơn 22 điểm (1,74%) xuống 1.258 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng mất hơn 2%.

Cổ phiếu chứng khoán không thể gượng dậy sau nhiều phiên giảm sâu liên tiếp và bối cảnh thị trường chung kém khả quan: VND, SSI, VIX, FTS, BSI, AGR, CTS đồng loạt giảm kịch sàn; trong khi đó, VCI giảm 3,28%, HCM giảm 3,78%, TVS giảm 4,06%.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn đóng vai trò kéo lùi chỉ số, nhất là VCB của Vietcombank rơi 3,8% về 76.100 đồng để trở thành mã tác động tiêu cực nhất. Tiếp đến còn là MBB, CTG, TCB, VPB, BID, ACB.

Cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng chìm trong áp lực bán tháo. Hàng loạt mã tầm trung như DIG, CEO, CII, NBB, HQC, QCG, VCG, FCN, HDC, LDG, CRE... đều kết phiên trong sắc xanh lơ của mức giá sàn.

Ở nhóm sản xuất, MSN tăng mạnh 5,69%, sắc xanh cũng hiện lên ở DPM, DCM, ANV, VCF, IDI, DHC, MSH. Tuy vậy, sắc đỏ vẫn là chủ đạo, trong đó VNM giảm 1,91%, HPG giảm 1,07%, SAB giảm 0,26%, GVR giảm 3,4%, DGC giảm 2%...

Tương tự là sự bất lực của cổ phiếu ngành thép khi HSG, NKG, SMC, TLH giảm kịch sàn bởi không có lực cầu. Cổ phiếu đầu ngành HPG của Hòa Phát cũng rơi tiếp 1,1% về mức thấp nhất 2021 đến nay dù hôm nay là ngày chia cổ tức.

Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam tỏa sáng

Bất chấp những áp lực bán tháo diễn ra trên phần lớn thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ đông các doanh nghiệp ngành sản xuất điện và bán lẻ vẫn hưởng niềm vui trong phiên giao dịch đỏ lửa 17/6.

Cổ phiếu năng lượng trở thành tâm điểm của dòng tiền với sự bứt phá ấn tượng: GAS tăng 4,69%, POW tăng 4,55%, VSH tăng 4,75%, NT2 tăng 2,47%, PPC tăng 1,4%, GEG tăng kịch trần.

Cổ phiếu ngành bán lẻ cũng tỏa sáng khi MSN của Masan Group bứt phá 5,7% lên 117.000 đồng, PET thậm chí tăng trần đạt 40.600 đồng, FRT có thêm 4,4% giá trị lên 102.000 đồng, PNJ và VRE cũng kết phiên trong sắc xanh.

Đáng chú ý, cổ phiếu GAS có sự đảo chiều ấn tượng nhất khi từ mức giảm sâu đã chuyển sang sắc xanh để tăng đến 4,7% lên mức cao nhất trong ngày tại 134.000 đồng, lập đỉnh lịch sử mới. Cổ phiếu này tăng kịch trần nhờ giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh. So với các đỉnh cao của giá dầu, biến động giá cổ phiếu này khá tương đồng. Đây cũng là mã có đóng góp tích cực nhất, bên cạnh nhóm điện và bán lẻ.

Mới đây, HĐQT GAS vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông bằng tiền mặt. Với hơn 1,9 tỷ cp đang lưu hành, ông lớn ngành khí cần chi 5.742 tỷ đồng để thực hiện. Thời gian thanh toán từ ngày 01/09-15/10.

Xu hướng tiền rẻ đã chấm dứt, sẽ không còn những phiên tăng điểm mạnh liên tiếp

Trước đó tại Talkshow "Chọn danh mục – kỳ 8: Dấu hỏi lạm phát” do Báo Đầu Tư tổ chức, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc phân tích Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, trong các phiên đầu tuần, thị trường phản ứng khá tiêu cực sau khi thông tin lạm phát Mỹ được đưa ra và dự báo Fed tăng lãi suất lên 0,75% thay vì 0,5% trước đó. Đến phiên ngày 16/6, Fed ra thông tin nâng lãi suất lên 0,75% đúng với kỳ vọng nên thị trường đã có sự phục hồi.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi lạm phát không rõ đã đạt đỉnh chưa và chu trình tăng lãi suất của Fed vẫn còn.

Ngoài ra, xét về mặt thông tin từ giờ cho đến hết tháng 6, thị trường không còn thông tin tích cực hỗ trợ cũng như thông tin tiêu cực có thể dẫn đến đà bán tháo mạnh của thị trường. Theo đó, các chỉ số có thể dao động từ 5 - 7% so với giá đóng cửa phiên 16/6.

Do vậy, Giám đốc phân tích VDSC cho rằng việc mua bán ở thời điểm hiện tại không nên Fomo (Fear Of Missing Out – sợ bỏ lỡ mất cơ hội) nhất là khi nhiều cổ phiếu đã về "vùng trà đá" và có định giá rất rẻ, nhà đầu tư phải kiên nhẫn, tìm hiểu nghiên cứu kỹ thị trường trong tầm nhìn dài hạn hơn.

“Với xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương thì xu hướng tiền rẻ đã chấm dứt. Diễn biến thị trường chứng khoán sẽ phản ánh rõ thực trạng sức khỏe nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và không còn những phiên tăng điểm mạnh liên tiếp.

Hiện tại, thị trường ở giai đoạn nhà đầu tư nên sàng lọc cổ phiếu, ngành nghề để mua và nắm giữ dài hạn thay vì cổ phiếu có khả năng lãi nhanh, lời nhanh như giai đoạn 2021” bà Lam nhận định.

Đọc tiếp