Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham quan khu vực xưởng sơn chân đế giàn năng lượng tái tạo ngoài khơi, khu căn cứ cảng và bãi chế tạo PTSC. Nguồn: VGP. |
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ niềm vui trước tinh thần lao động khẩn trương, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động của PTSC trong những ngày giáp Tết.
PTSC là doanh nghiệp rất quan trọng trong cung cấp các dịch vụ phục hoạt động của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), với những công trình lớn, phức tạp, điều kiện vận hành hết sức khó khăn.
"PVN, PTSC luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, tìm tòi sáng tạo, đột phá trong từng bước chuyển đổi có tính lịch sử của đất nước và thế giới, để vượt qua chính mình không chỉ khai thác tài nguyên mà dựa vào tài nguyên con người", Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, ngành dầu khí luôn giữ vai trò đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, nhất là những giá trị gia tăng từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc làm chủ công nghệ xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo ngoài khơi, góp phần giúp ngành dầu khí Việt Nam có thể cạnh tranh trên thế giới.
Trao đổi về thách thức đặt ra đối với mô hình kinh tế dựa vào năng lượng hoá thạch, Phó Thủ tướng cho rằng yêu cầu phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là xu thế không thể đảo ngược.
"Đây là thách thức và cơ hội phát triển của Việt Nam khi chuyển đổi mô hình phát triển sang năng lượng xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần một chiến lược sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường giới thiệu với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tổng quan về khu căn cứ cảng, bãi chế tạo PTSC và các dự án PTSC đã và đang triển khai trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng tái tạo ngoài khơi. Nguồn: VGP. |
Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn PVN và PTSC tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập trung đầu tư chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và triển khai để giải quyết "bài toán" công nghệ về sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, sử dụng nhiên liệu xanh là hydro xanh, amoniac xanh.
PVN, PTSC cũng cần tiếp cận lĩnh vực năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi với tư duy khoa học, đồng bộ, tổng thể, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng là đòi hỏi tất yếu của Việt Nam và thế giới.
Từ dự án thi công, lắp đặt chân đế điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng đề nghị PTSC gia tăng hàm lượng công nghệ, tư duy đổi mới sáng tạo, không dừng lại ở quy mô, sự khéo léo của người lao động.
"Đây không chỉ là những bước đi đầu tiên, quan trọng trong tiếp cận đồng bộ, tổng thể hệ sinh thái kinh tế năng lượng sạch, mà sự hiện diện của những trung tâm điện gió ngoài khơi cũng là những cột mốc chủ quyền của tổ quốc, đồng thời góp phần phát triển trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá", Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi, làm chủ các khâu thiết kế, chế tạo, vận chuyển, lắp đặt, lưu trữ điện năng, sản xuất nhiên liệu xanh.
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) hiện có 24 đơn vị thành viên với gần 10.000 người lao động, hoạt động trên 10 quốc gia và vùng lãnh thổ. PTSC sở hữu cơ sở hạ tầng, vật chất hiện đại hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm 7 căn cứ cảng và bãi chế tạo từ Bắc vào Nam với tổng diện tích khoảng 330 ha.
Thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, PTSC đã và đang chủ động tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng dịch vụ cũng như sẵn sàng cho các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Hiện nay, PTSC là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đấu thầu và trúng thầu quốc tế, triển khai thực hiện các hợp đồng chế tạo thiết bị cho các dự án điện gió ngoài khơi với giá trị lớn, xuất khẩu ra nước ngoài; đánh dấu bước chuyển mình ngoạn mục trong hành trình phát triển của PTSC và chính thức ghi tên Việt Nam trên bản đồ chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo ngoài khơi toàn cầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, PTSC trong một thời gian ngắn được trao thầu nhiều hợp đồng chế tạo thiết bị với tổng giá trị 2,5 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi là 1,5 tỷ USD, 100% chế tạo tại Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài.