Ảnh minh họa |
Giá vốn hàng bán của Sao Ta đạt 945 tỷ đồng, giảm 24%. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 87 tỷ đồng, giảm 47%. Doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính lần lượt giảm 29% và 30%, đạt 13,3 tỷ đồng và 11,8 tỷ đồng. Khoản chi phí bán hàng của FMC từ mức 28,4 tỷ đồng xuống còn -9,5 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của FMC đạt 77,66 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau quý 1 có mức tăng trưởng tương đối lạc quan với +19% so với cùng kỳ năm 2022, quý 2 là quý đầu trong năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận đà tăng trưởng âm về lợi nhuận.
Lũy kế 2 quý đầu năm 2023, doanh thu thuần của FMC đạt 2.041 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ thủy sản đạt 1.953 tỷ đồng, giảm 26%; doanh thu từ nông sản đạt 87,5 tỷ đồng, tăng 0,3%.
Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp đạt 1.873 tỷ đồng, giảm 23%; trong đó giá vốn hàng thủy sản đạt 1.812 tỷ đồng, giảm 24%.
Chi phí bán hàng 6 tháng đầu năm 2023 của FMC đạt 14,2 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022. Biến động chủ yếu từ chi phí vận chuyển, từ 97 tỷ đồng xuống còn 28,7 tỷ đồng.
Chi phí sản xuất giảm 637 tỷ đồng, từ 2.950 tỷ đồng xuống còn 2.313 tỷ đồng. Trong đó, chi phí nguyên vật liệu giảm 546 tỷ đồng, từ 2.444 tỷ đồng xuống mức 1.898 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, 2 quý đầu năm 2023, lợi nhuận trước thuế của FMC đạt 126 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2023, 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp đã hoàn thành 31% kế hoạch đã đề ra.
Thời gian qua, ngành tôm nói riêng và ngành thủy sản của Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), bắt đầu nửa sau năm 2022, nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ - thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam - bắt đầu có xu hướng giảm. Lạm phát tăng cao khiến người dân Mỹ thắt chặt chi tiêu, lựa chọn thực phẩm giá rẻ. Việc Mỹ tiếp tục tăng lãi suất đã tác động tiêu cực tới nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường này.
Mặt khác, các tháng đầu năm 2023, các đối thủ cạnh tranh của tôm Việt là Ecuador, Ấn Độ vào vụ thu hoạch khiến nguồn cung tăng, giá tôm giảm...
Dù vậy, trong bài viết đăng tải trên website của VASEP ngày 11/7, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT của Sao Ta cho rằng, quý 3 sẽ là quý tăng tốc tiêu thụ mặt hàng tôm ra thế giới của Việt Nam. Một trong những yếu tố thúc đẩy là do bước vào thời điểm mùa tiêu thụ khi diễn ra các lễ hội (tháng 7 là Quốc Khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…) và nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Sao Ta đạt 3.201 tỷ đồng, tăng 213 tỷ đồng so với mức 2.988 tỷ đồng ngày đầu năm. Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 38%, từ 929 tỷ đồng lên 1.286 tỷ đồng. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ quý 2 khi tăng 462 tỷ đồng. Chiếm trị giá lớn nhất trong nhóm hàng tồn kho là thành phẩm với 978 tỷ đồng.
Tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp giảm 84%, từ 295 tỷ đồng xuống còn 45 tỷ đồng.
Nợ của FMC đến ngày 30/6 ở mức 1.145 tỷ đồng, tăng 31% so với mức 872 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm. Sự thay đổi lớn đến từ khoản vay ngắn hạn từ ngân hàng đã tăng 370 tỷ đồng trong 6 tháng, đạt 885 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên 18/7, giá cổ phiếu FMC ở mức 47.200 đồng/cp, tăng 15% so với đáy ngắn hạn phiên 21/6 và giảm 31% so với đỉnh lịch sử 68.430 đồng/cp phiên 15/4/2022.