Nghị quyết 43: Triển khai một số dự án còn chậm, vướng mắc

CHÍNH SÁCH QUỐC HỘI
15:47 - 22/03/2024
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Theo Đoàn giám sát của Quốc hội, việc triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn đã đề ra.

Ngày 22/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội làm việc với Chính phủ về Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.

Theo Báo cáo của Chính phủ, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.

Về các hiệu quả cụ thể, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Số thuế được giảm khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ phòng, chống dịch Covid-19 khoảng 291,4 tỷ đồng.

Thực hiện cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến hết năm 2023, đã giải ngân tín dụng ưu đãi đạt 38.400 tỷ đồng cho hơn 615,6 nghìn lượt khách hàng, đạt 100% kế hoạch.

Hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay lãi suất trên 6% đạt 2.995 tỷ đồng, bằng 99,8% kế hoạch.

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã giải ngân khoảng 3.679 tỷ đồng hỗ trợ cho 128,7 nghìn lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động, đạt 55,7% kế hoạch.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất qua ngân hàng thương mại, đến cuối tháng 11.2023, số tiền hỗ trợ lãi suất khoảng 1.099 tỷ đồng, đạt 2,75% kế hoạch. Thực hiện chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong số 130,7 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình bố trí cho các dự án kết cấu hạ tầng, đã giao chi tiết 130,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,6% nguồn lực. Trong đó bố trí khoảng 82,1 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, bổ sung nguồn lực lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm, liên vùng.

Đến 31/1/2024, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân trong kế hoạch năm 2023 đạt khoảng 84,85 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch.

Về thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép áp dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Tại Báo cáo này, Chính phủ cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân. Đồng thời, xác định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các nội dung được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện, cố gắng giải ngân tối đa vốn Chương trình trong năm 2024.

Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, định mức dự toán, đơn giá, mỏ vật liệu xây dựng của một số dự án quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Triển khai các dự án còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn

Các thành viên Đoàn giám sát cũng nhận thấy, việc phân bổ vốn đầu tư chậm, kéo dài, nhiều lần danh mục đề xuất phải thay đổi, điều chỉnh. Triển khai thực hiện các dự án sử dụng vốn của Chương trình còn chậm, không bảo đảm hoàn thành theo thời hạn đã đề ra.

"Việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm, chưa hiệu quả nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ," Đoàn giám sát cho hay.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội là một quyết sách đúng đắn, kịp thời, có nhiều đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy còn những khó khăn, bất cập, hạn chế việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 và một số dự án quan trọng quốc gia, trong đó một số chính sách chưa đạt được mục tiêu của Nghị quyết 43/2022/QH15.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia về phân cấp cho địa phương làm chủ quản dự án; việc thực hiện chỉ định thầu, khai thác các mỏ vật liệu; cơ chế phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản một số dự án…

Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh buổi làm việc Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội với Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, đánh giá, nhận định, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo.

"Đề nghị Chính phủ hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới hiện nay gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách," Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.