Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: TASS |
TASS đưa tin, phát biểu trong cuộc phỏng vấn ngày 28/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: "Chúng ta phải xác định rằng chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky không có bất kỳ thiện chí hòa bình nào. Các đại diện của họ chỉ suy nghĩ về cuộc chiến và sử dụng những lời lẽ hung hăng. Họ không hề nghĩ đến việc ngừng chiến".
"Lệnh cấm đàm phán với lãnh đạo Nga mà ông Zelensky đưa ra ngày 30/9/2022 vẫn có hiệu lực", ông Lavrov nêu rõ.
Cuối tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra sắc lệnh cấm đàm phán với giới lãnh đạo Nga nếu Tổng thống Vladimir Putin còn tại vị. Ông Lavrov nói lệnh cấm này cho thấy Ukraine thiếu thiện chí đàm phán hòa bình.
Tổng thống Nga Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Moscow chưa bao giờ từ chối đàm phán hòa bình với Kiev. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Ukraine "đã công khai tuyên bố rời khỏi quá trình đàm phán" với Nga vào mùa xuân năm 2022.
Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố nếu Kiev càng trì hoãn đàm phán thì càng khó đạt được thỏa thuận. Theo ông Lavrov, bước đầu tiên trong tiến trình đàm phán giữa Nga và Ukraine nên là việc Tổng thống Zelensky dỡ bỏ lệnh cấm đối thoại với Moscow.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow thấy có những dấu hiệu về việc phương Tây đang thay đổi chiến thuật đối với Ukraine. Ông Lavrov nói rằng các cường quốc phương Tây đã gặp nhau "bí mật" khoảng 10 ngày trước trong khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7 để thảo luận về "công thức hòa bình" do Tổng thống Ukraine Zelensky đề xuất.
Nhà ngoại giao Nga cũng tiết lộ rằng các bên tham dự cuộc họp bí mật đã nhất trí về một cuộc gặp tiếp theo vào tháng 1/2024 và tổ chức một "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" vào tháng 2/2024 dựa trên "công thức hòa bình" của ông Zelensky.
Ukraine chưa đưa ra bình luận về các tuyên bố của Ngoại trưởng Nga.
"Công thức hòa bình" 10 điểm của Tổng thống Ukraine Zelensky bao gồm việc kêu gọi Nga rút quân, chấm dứt chiến sự, trao trả các vùng đã sáp nhập, bao gồm cả bán đảo Crimea, khôi phục biên giới nhà nước Ukraine với Nga.
Tuy nhiên, Moscow cho rằng các cuộc đàm phán về sáng kiến hòa bình của ông Zelensky sẽ trở nên vô lý vì Nga không được tham dự trong các cuộc họp. Nga cũng yêu cầu Ukraine cần phải nhìn nhận "thực tế mới về lãnh thổ" và công nhận các tuyên bố của Moscow với những khu vực đã sáp nhập.
Vào tháng 11 năm nay, ông Vladimir Medinsky, Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Vladimir Putin và là trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Nga với Ukraine vào năm 2022, tiết lộ rằng cuộc xung đột tại Ukraine có thể đã chấm dứt cuộc xung đột vào tháng 4/2022, nếu Kiev công nhận nền độc lập của Donbass và bán đảo Crimea là lãnh thổ của Nga.
Ông David Arakhamia, Trưởng phái đoàn Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cũng xác nhận về những tin đồn rằng cuộc xung đột giữa hai nước có thể đã kết thúc chỉ sau 2 tháng, nếu Kiev chấp nhận yêu cầu trung lập của Moscow.
"Mục tiêu của Nga là gây áp lực lên chúng tôi để chúng tôi giữ thái độ trung lập. Đây là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ sẵn sàng kết thúc cuộc chiến nếu chúng tôi chấp nhận trung lập, giống như Phần Lan đã từng làm. Và chúng tôi sẽ phải cam kết rằng chúng tôi sẽ không gia nhập NATO", ông Arakhamia nói với đài truyền hình Ukraine 1+1 hôm 24/11.
Ông Arakhamia cũng tiết lộ rằng cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson là người đóng vai trò quan trọng trong việc làm chệch hướng thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev, khi kêu gọi chính phủ Ukraine tiếp tục chiến đấu.
Đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu một dự thảo thỏa thuận "về tính trung lập lâu dài và đảm bảo an ninh cho Ukraine" trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi ở Moscow. Vào thời điểm đó, ông Putin cho biết phái đoàn đàm phán Ukraine ban đầu đã đồng ý ký một hiệp ước trung lập với Nga, trong đó cũng bao gồm về giới hạn về vũ khí hạng nặng.