Theo báo cáo, tổng doanh thu của thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong quý 3/2024 đạt 84,75 nghìn tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý 2 trước đó. Tổng doanh thu thương mại điện tử của 9 tháng đầu năm 2024 là 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ năm 2023.
Ba sàn gồm Shopee, TikTok Shop và Tiki đều có doanh số tăng cao từ tháng 7, cao nhất vào tháng 8 và sau đó giảm nhẹ vào tháng 9. TikTok Shop và Shopee ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cả quý 2/2024 lẫn cùng kỳ 2023. Tiki mặc dù tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu quý 3 này đã khởi sắc hơn quý trước đó với mức tăng 38,1%. Trong khi đó, hai sàn Lazada và Sendo đều có doanh số giảm dần qua từng tháng.
Tăng trưởng doanh số và sản lượng của 5 sàn thương mại điện tử trong quý 3/2024. Ảnh: Metric. |
Một trong những xu hướng đáng chú ý trong quý 3/2024 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của số lượng cửa hàng và doanh số Shop Mall (cửa hàng chính hãng). Xu hướng Shop Mall đã đóng góp gần 1/3 tổng doanh số toàn thị trường với mức tăng 53,11% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm chính hãng và chất lượng, đặc biệt là các phẩm có giá thành cao, phản ánh xu hướng dịch chuyển tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam,” báo cáo viết.
Trong số các sàn thương mại điện tử, Shopee và Tiktok Shop là hai nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng cả về số lượng bán lẫn doanh số từ Shop Mall. Tiktok Shop mặc dù sở hữu số lượng cửa hàng chính hãng ít hơn Shopee, nhưng lại có mức tăng trưởng doanh số cao gấp 3 lần.
Doanh số và sản lượng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử trong quý 3/2024. Ảnh: Metric |
Về phân khúc, các sản phẩm có giá dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% so với quý 3 năm ngoái. Trong đó, phân khúc dưới 100.000 đồng tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%. Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động.
Về ngành hàng, các mặt hàng chủ chốt như làm đẹp, giày dép nam, bách hóa - thực phẩm và phụ kiện thời trang tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Doanh số của ngành hàng làm đẹp đạt 15.508 tỷ đồng, chiếm 18% thị phần doanh số trong quý. Kết quả trên có được nhờ nhu cầu quà tặng trong các dịp lễ hội cuối năm và yếu tố thời tiết, làm tăng nhu cầu mua sắm các sản phẩm chăm sóc da, cơ thể và tóc.
Metric dự báo trong quý 4/2024, tổng doanh số 5 sàn bán lẻ trực tuyến có thể đạt 80,6 tỷ đồng với 870 triệu sản phẩm được bán ra. Ước tính mức tăng trưởng tháng 10,11,12 lần lượt là 10%, 20%, 35% so với cùng kỳ 2023.
“Một phần do Tết 2025 đến sớm (29/1/2025) nên việc mua sắm chuẩn bị Tết sẽ tất bật nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12/2024, dự đoán doanh số trên sàn tăng mạnh nhất vào khoảng thời gian này,” báo cáo nêu.
Báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024 của Metric công bố ngày 24/10, được thu thập dữ liệu trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop trong khoảng thời gian từ ngày 1/7- 30/9/2024. |