Ông Trần Ngọc Anh phát biểu tại đại hội ngày 29/5. |
Tại đại hội, với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông công ty đã thông qua toàn bộ các tờ trình. Về kế hoạch kinh doanh, Viglacera lên kế hoạch năm 2024 với doanh thu hợp nhất 13.353 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.110 tỷ đồng, giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.
Về việc xây dựng kế hoạch năm 2024, bà Trần Thị Minh Loan, Thành viên HĐQT cho biết mảng vật liệu xây dựng của VGC vẫn còn khó khăn, dự kiến không có lợi nhuận trong năm nay.
Mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp dự kiến đóng góp vào lợi nhuận hợp nhất khoảng 1.400 tỷ đồng. Việc ghi nhận lợi nhuận của mảng bất động sản khu công nghiệp phải đạt một số tiêu chí nhất định, do đó công ty sẽ phải bám sát quá trình thực hiện các thủ tục để ghi nhận lợi nhuận.
Tại đại hội, vấn đề được cổ đông quan tâm hàng đầu là tình hình kinh doanh tại các dự án khu công nghiệp – mảng kinh doanh chủ lực của Viglacera.
Theo Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Anh, cập nhật đến hết tháng 5/2024, VGC đã bàn giao được hơn 50 ha, ghi nhận hơn 645 tỷ đồng lợi nhuận, thực hiện được khoảng 46% kế hoạch cả năm.
Các khách hàng đã ký được từ đầu năm đến nay có phần chậm hơn so với các năm trước. Công ty trong thời gian qua tập trung thu hút những ngành nghề có tiềm năng phát triển tốt như chip bán dẫn, xe đạp điện.
ĐHĐCĐ Viglacera: Triển khai loạt dự án lớn trong năm 2024
Các khu công nghiệp của Viglacera cơ bản đáp ứng được yêu cầu với những ngành này. Tuy nhiên các nhà đầu tư còn phải khảo sát đánh giá các điều kiện khác, như trình độ nhân lực, đặc biệt là trong bối cảnh sắp áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu.
“Để hoàn thành kế hoạch năm, gánh nặng còn lại còn hơi lớn. Tóm lại từ giờ đến cuối năm, công ty còn hơn 100ha nữa cần phải kinh doanh, ký hợp đồng. Chúng tôi đang đẩy mạnh các giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra, từ nâng cấp chất lượng dịch vụ đến hỗ trợ nhà đầu tư về thủ tục,” ông Trần Ngọc Anh cho biết thêm.
Năm 2023, VGC đã đề xuất 3 khu công nghiệp và được Thủ tướng chấp thuận 2 dự án. KCN Sông Công 2 ở Thái Nguyên đã được triển khai ngay sau quyết định của Thủ tướng, hiện đã đền bù giải phóng mặt bằng được khoảng 16 – 17ha, dự kiến khởi công vào tháng 11 năm nay và sẽ cho thuê được khoảng 30 ha. Đây là khu công nghiệp tiềm năng khi nằm ngay gần Thủ đô Hà Nội.
Tương tự, KCN Dốc Đá Trắng ở Khánh Hòa cũng được triển khai ngay sau khi nhận quyết định của Thủ tướng, tuy nhiên vẫn còn một số thủ tục cần thiết phải làm. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành các bước chuẩn bị xúc tiến đầu tư vào cuối năm nay, và khởi công vào quý 2/2025.
Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ đề xuất xin chủ trương đầu tư thêm 3 khu công nghiệp mới với diện tích khoảng hơn 1.000 ha, tại 3 địa phương là Thái Nguyên, Phú Thọ và Hưng Yên.
Về các dự án nhà ở xã hội, ông Trần Ngọc Anh cho biết công ty đã có quỹ đất sạch và các thủ tục pháp lý đầu tư khoảng 11.000 căn, dự kiến đến tháng 6/2024 sẽ đưa ra thị trường khoảng 3.000 căn. Các căn nhà ở xã hội của VGC chủ yếu nằm cạnh các khu công nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Anh, nhà ở xã hội là một lợi thế cho các khu công nghiệp của Viglacera, khi những nhà đầu tư lớn về đây đã có sẵn nhà ở cho công nhân cũng như chuyên gia. Theo vị lãnh đạo của VGC, đây là điều mà các đơn vị khác còn hạn chế.
Về giá bán, biên lợi nhuận tại các dự án này chỉ là 10%. Đa phần tại các khu công nghiệp, chủ yếu là cho thuê thay vì mua nhà. Nếu chỉ cho thuê riêng nhà ở xã hội trong khu công nghiệp thì hiệu quả không cao, nhưng nếu kết hợp cả các dịch vụ trong khu công nghiệp thì cho kết quả tốt.
Bên cạnh bất động sản, vật liệu xây dựng là mảng kinh doanh quan trọng khác của Viglacera, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong 2 năm trở lại đây. Tại đại hội, vấn đề được cổ đông quan tâm liệu trong năm 2024, mảng vật liệu xây dựng đã phục hồi hay chưa, đặc biệt là với kính trắng.
Trả lời cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn nhận định tình hình thị trường vật liệu xây dựng trong năm 2024 chưa thực sự khởi sắc, nhưng vẫn có triển vọng tốt hơn.
Theo ông Tuấn, dự kiến từ ngày 1/8/2024, ba luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản sẽ chính thức có hiệu lực, góp phần tháo gỡ thị trường. Ngoài ra, lĩnh vực nhà ở xã hội cũng đang được quan tâm, theo chỉ thị mới nhất của Ban Bí thư, có thể sẽ dùng vốn đầu tư công để xây nhà ở xã hội cho thuê.
Ông Nguyễn Anh Tuấn dự đoán tình hình bất động sản từ nay đến cuối năm sẽ tốt hơn, lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng sẽ được cải thiện.
Riêng với lĩnh vực kính phụ thuộc rất nhiều vào thị trường, giai đoạn 2020 – 2021 tình hình rất tốt nhưng giai đoạn 2022 – 2023 diễn biến xấu, cả trong nước cũng như toàn thế giới. Trong nước, lượng cung vượt cầu dẫn đến việc cạnh tranh về giá.
Đánh giá về triển vọng mảng vật liệu xây dựng trong những năm tiếp theo, Tổng giám đốc Viglacera nhận định khó khăn trong lĩnh vực vật liệu đang ở đáy. 3 – 5 năm nữa khi các luật đi vào thực tiễn, thị trường bất động sản sẽ tốt hơn và vật liệu xây dựng cũng sẽ được cải thiện.
Về việc thực hiện thoái vốn Nhà nước, ông Trần Ngọc Anh cho biết công ty đã chọn được đơn vị định giá, thời điểm định giá bắt đầu ngày 30/6, dự kiến hết quý 3/2024 đơn vị định giá sẽ ra được giá trị công ty. Bộ xây dựng chỉ đạo đến ngày 31/3/2025 phải trình được phương án bán vốn.
“Với Tổng Công ty, đây là lần thoái vốn Nhà nước thứ 3, nên các cán bộ cũng đã có kinh nghiệm thực hiện việc này. Có 2 vấn đề chính phải tập trung, là tài sản và đất đai của công ty tương đối nhiều, cùng với tài sản đang đầu tư ở nước ngoài. Những khó khăn cũng đã được công ty chuẩn bị để báo cáo các bộ ngành có liên quan, phối hợp kịp thời đúng tiến độ của Bộ Xây dựng,” ông Ngọc Anh chia sẻ tại đại hội.
Theo ông Trần Ngọc Anh, với tiềm năng phát triển của Viglacera, đến nay cũng đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.