Diễn đàn khử carbon châu Á: Nhiên liệu sinh học Việt Nam 2023. |
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi về xu hướng và chính sách phát triển nhiên liệu sinh học trong khu vực và trên toàn cầu; sự tương thích đối với các phương tiện vận tải và nhận thức người tiêu dùng; vai trò của nhiên liệu sinh học trong tiến trình chuyển đổi nhiên liệu xanh và cơ hội cho nhiên liệu sinh học trong những lĩnh vực mới và các giá trị gia tăng khác cho Việt Nam.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, nhiên liệu sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác từ thập niên 70 của thế kỷ trước.
Hiện một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học, như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 15 năm nay.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Tạp chí Công Thương. |
Ở Việt Nam, với mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, quyết định về phát triển nhiên liệu sinh học, tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống…
Thực hiện các chủ trương của Chính phủ, đến nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam chỉ kinh doanh 2 sản phẩm xăng là xăng sinh học E5 RON92 và xăng khoáng RON95.
Ông Ralph Bean, Tham tán nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hoan nghênh diễn đàn như là dịp để các bên cùng thảo luận cách thức tăng cường phát triển nhiên liệu ethanol, đáp ứng nhu cầu năng lượng, từ đó đáp ứng sự phát triển và phát triển bền vững.
Ông Ralph Bean cho biết, biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ ký hồi tháng 10/2020 đã đặt nền tảng cho hợp tác và nguồn lực kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học của Việt Nam, góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Nhưng còn rất nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học
Đại diện Hiệp hội Nhiên liệu Sinh học Việt Nam, ông Vũ Kiên Trung thông tin, việc Việt Nam áp dụng chương trình pha trộn nhiên liệu sinh học vào xăng với tỉ lệ 5% (E5) kể từ năm 2010 đã giúp giảm lượng khí thải và tăng cường sự bền vững trong ngành năng lượng. Xăng E5 đã được phân phối rộng rãi trên toàn quốc, tuy nhiên tình trạng tiêu thụ chưa đạt được mức kỳ vọng. Những thách thức mà các đơn vị sản xuất, tiêu thụ nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đang gặp phải là rất nhiều.
"Trong đó, nguyên nhân chính là người tiêu dùng còn lo ngại về chất lượng và hiệu suất của xăng sinh học so với xăng thông thường. Người tiêu dùng còn thiếu thông tin và kiến thức về lợi ích của nhiên liệu sinh học và xăng sinh học.
Số lượng sử dụng xăng sinh học và nhiên liệu cho xăng sinh học (cồn khan) quá thấp, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa (đầu ra khó khăn) và vấn đề nữa là không có nguồn nguyên liệu chủ động cho sản xuất", ông Vũ Kiên Trung nói.
Cùng bàn về vấn đề này, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xăng E5 đang có xu hướng giảm. Thống kê sản lượng tiêu thụ xăng E5 của Petrolimex từ năm 2018 đến nay cho thấy sản lượng tiêu thụ xăng E5 đã giảm từ hơn 2 triệu lít năm 2018 đến năm 2022 chỉ còn khoảng 1,5 triệu lít và 5 tháng đầu năm 2023 chỉ còn hơn 544 nghìn lít.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. Nguồn: Tạp chí Công Thương. |
Lý do là bởi tiêu chuẩn xăng E5 mới ngang với tiêu chuẩn EURO 2, trong khi các phương tiện giao thông đời mới (gồm cả xe máy và ô tô) đều muốn sử dụng xăng ngang tiêu chuẩn EURO 3,4 (Xăng RON 95).
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương đề xuất rà soát lại lộ trình phát triển xăng E5 để trong thời gian tới sẽ có lộ trình phát triển nhiên liệu sinh học mới phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới, với tình hình phát triển và yêu cầu của Việt Nam.
“Nếu như nhìn vào thực trạng hiện nay mà chưa có sự đánh giá toàn diện và lộ trình phát triển mới thì sẽ rất khó khăn cho việc phát triển nhiên liệu sinh học”, bà Quỳnh nói.
Đại diện Vụ Dầu khí và Than tại Diễn đàn cũng nêu đề xuất Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam cần có những đánh giá lại kết quả sản xuất trong thời gian qua cũng như đề xuất chính sách cho phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới.