Theo thống kê của Mekong ASEAN từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (không bao gồm Agribank), tổng số dư tiền gửi khách hàng các ngân hàng đã tăng 7,2% so với đầu năm, đạt gần 10,8 triệu tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2024.
Xét về số dư tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tạm thời dẫn đầu về lượng tiền gửi, đạt hơn 1,87 triệu tỷ đồng tính đến hết ngày 30/9, tăng 9,9% tương đương 169.035 tỷ đồng so với đầu năm.
Vị trí thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng lần lượt thuộc về 2 ngân hàng Big4 là VietinBank và Vietcombank. Theo đó, VietinBank ghi nhận số dư tiền gửi là 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Vietcombank ghi nhận số dư tiền gửi 1,43 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 2,5% so với đầu năm.
Trong nhóm cổ phần, MB tiếp tục là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi nhất, với số dư đạt 627.567 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với nhóm các ngân hàng quốc doanh, số dư tiền gửi của ngân hàng dẫn đầu nhóm tư nhân chỉ bằng gần một nửa.
Top 5 và Top 6 về số dư tiền gửi khách hàng lần lượt thuộc về Sacombank và ACB, đây cũng là 2 ngân hàng ghi nhận mức tiền gửi trên 500.000 tỷ đồng, cụ thể, Sacombank ghi nhận 566.724 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm; ACB ghi nhận 512.124 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Những cái tên còn lại trong Top 10 số dư tiền gửi khách hàng 9 tháng đầu năm đều đuổi nhau "sát sao" với Techcombank, VPBank, SHB và HDBank lần lượt ghi nhận 494.954 tỷ đồng; 475.782 tỷ đồng; 471.799 tỷ đồng; 397.019 tỷ đồng.
Xét về tăng trưởng, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng tiền gửi so với cùng kỳ, đáng chú ý, 5 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi 2 con số. Trong đó, tăng mạnh nhất là NCB, tăng 17,6% so với đầu năm, tương đương mức tăng 13.505 tỷ đồng.
Các ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số còn lại là: LPBank tăng 14,3% so với đầu năm, tương đương mức tăng 33.911 tỷ đồng; MSB tăng 12,2% tương đương con số 16.121 tỷ đồng; Sacombank tăng 11% tương đương con số 55.980 tỷ đồng và MB tăng 10,6% tương đương con số 60.034 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tính đến ngày 30/9, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận số dư tiền gửi giảm so với đầu năm là SaigonBank, PVcomBank và ABBank. Trong đó, SagonBank ghi nhận giảm nhẹ; PVcomBank và ABBank giảm lần lượt 2% và 9% so với đầu năm.
Liên quan đến lãi suất, trong quý 3/2024, lãi suất tiết kiệm vẫn nằm trong xu hướng tăng, tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh cho kênh tiền gửi ngân hàng.
Tính đến thời điểm 30/9/2024, kỳ hạn 1 tháng là 3,9%/năm được áp dụng tại Eximbank, đứng thứ 2 là HDBank với mức lãi suất 3,85%/năm. Các ngân hàng như Bắc Á, BVBank, NCB, OCB, VietBank cùng áp dụng mức lãi suất 3,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 tháng.
Tại kỳ hạn 3 tháng, Eximbank vẫn là ngân hàng có mức lãi suất cao nhất hệ thống với 4,3%/năm. Theo sát Eximbank là Bắc Á, NCB cùng áp dụng mức lãi suất 4,1%/năm với tiền gửi kỳ hạn 3 tháng.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 6 tháng là 5,45%/năm được áp dụng tại NCB. Ngân hàng Bắc Á áp dụng mức lãi suất 5,25%/năm với tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng, mức cao thứ 2 hệ thống. Các ngân hàng BVBank, Eximbank, VietBank… cùng áp dụng mức lãi suất 5,2%/năm với tiền tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng.
Đối với tiền gửi 9 tháng, mức lãi suất cao nhất là 5,65% năm được áp dụng tại NCB. BVBank trả lãi 5,5%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, cao thứ 2 hệ thống.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng là 5,8%/năm, được áp dụng tại một loạt ngân hàng như BVBank, NCB, Saigonbank. Theo sát là Techcombank với 5,75%/năm.