Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, cao hơn phiên hôm qua (0,49%).
Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0. Tính chung, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 20.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 26/9.
Trước đó, trong 3 phiên liên tiếp gần đây 21/9, 22/9 và 25/9, cơ quan này đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.
Như vậy, sau 3 phiên thăm dò với khối lượng 10.000 tỷ, nhà điều hành đã tăng khối lượng phát hành lên gấp đôi. Trong 4 phiên giao dịch vừa qua, NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Điều này cho thấy tín hiệu về sự quyết liệt hơn của NHNN trong hoạt động hút bớt thanh khoản hệ thống.
Tuy nhiên, nghiệp vụ phát hành tín phiếu kỳ hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn. Với kỳ hạn 28 ngày, dự kiến số tiền được NHNN rút ra khỏi hệ thống sẽ được bơm trả lại vào trung tuần tháng 10.
Các chuyên gia của Chứng khoán SSI cho rằng, động thái phát hành tín phiếu trở lại của Ngân hàng Nhà nước có thể được xem là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
Theo Chứng khoán Maybank (MBKE), dưới áp lực tỷ giá, NHNN đã lựa chọn cách can thiệp điều tiết cung tiền thông qua hút VND bằng tín phiếu, động thái này là bước đi có tính toán kỹ lưỡng từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống đang dư thừa.
Đồng thời, quyết định này cũng là một nước đi khôn ngoan, giúp NHNN không phải bán ngoại hối như năm ngoái.
Theo quan sát từ phía MBKE, NHNN đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo các mục tiêu là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, giảm bớt áp lực tỷ giá, không gây gián đoạn thanh khoản cho nền kinh tế và đảm bảo lãi suất thực (lãi suất cho vay) tiếp tục xu hướng giảm.
Theo các nhà phân tích, thị trường cần làm quen với động thái này của NHNN. Trong tương lai, nhà điều hành sẽ tiếp tục quan sát trạng thái thanh khoản, lãi suất trúng thầu tín phiếu và lãi suất liên ngân hàng để tiếp tục hút hay bơm tiền.
"Khi nào thấy lãi suất liên ngân hàng đã nhích lên, góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt, NHNN sẽ dừng lại việc hút tiền", các nhà phân tích của MBKE cho hay.