Chủ tịch HĐQT bà Lê Thị Hà Thanh chủ trì ĐHĐCĐ bất thường năm 2022. Ảnh: Bảo hiểm VNI |
Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI – UPCoM: AIC) ngày 22/2 đã có công bố thông tin bất thường gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo đó, vào ngày 21/2/2023, Bảo hiểm Hàng không đã nhận được văn bản của nhóm cổ đông sở hữu 75,18 triệu cổ phiếu, tương đương 75,18% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết của VNI.
Nhóm cổ đông nêu trên có kế hoạch chuyển nhượng 75 triệu cổ phiếu, tương ứng 75% vốn điều lệ công ty cho DB Insurance Co, Ltd. Đồng thời, nhóm cổ đông cũng kiến nghị HĐQT đưa vào chương trình họp và trình ĐHĐCĐ bất thường tổ chức ngày 27/2 để xin chấp thuận cho bên nhận chuyển nhượng được nhận chuyển nhượng cổ phiếu, dẫn đến việc sở hữu đạt các mức theo quy định mà không phải thực hiện chào mua công khai.
Cũng theo thông báo của VNI, hợp đồng chuyển nhượng này đã được ký kết vào ngày 22/2 vừa qua và việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và theo thoả thuận của các bên tại hợp đồng.
Phương thức giao dịch là khớp lệnh và/hoặc thoả thuận thông qua hệ thống giao dịch UPCoM. Nếu việc chuyển nhượng diễn ra theo kế hoạch, DB Insurance sẽ trở thành công ty mẹ của VNI với tỷ lệ sở hữu là 75%, nắm quyền chi phối doanh nghiệp này.
Bảo hiểm Hàng không được thành lập vào năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập đầu tiên của doanh nghiệp này là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), Công ty cổ phần Nam Việt (NAVICO) và các cổ đông khác.
Trong giai đoạn 2014 - 2016, các cổ đông sáng lập lần lượt tiến hành thoái vốn, thay vào đó, nhóm cổ đông có liên hệ với Tập đoàn T&T của doanh nhân Đỗ Quang Hiển tiến hành mua vào lượng lớn cổ phần của VNI.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN từ các báo cáo doanh nghiệp, phần lớn các cổ đông trong danh sách thoái vốn mà VNI cung cấp (gồm 19 nhà đầu tư cá nhân và 1 tổ chức) có liên hệ trực tiếp tới hệ thống các doanh nghiệp của T&T Group.
Trong đó có ông Trần Sỹ Tiến, người nắm giữ 4,7 triệu cổ phiếu AIC của VNI, là Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội. Ông đồng thời cũng là Thành viên HĐQT CTCP Bảo hiểm hàng không.
Bà Nguyễn Diệu Trinh, thành viên HĐQT VNI nắm giữ 4,65 triệu cổ phiếu AIC, là người có gần 10 năm làm Giám đốc Tài chính của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội. Từ 2016 – 2022, bà cũng đóng vai trò trong Ban Quản lý Đầu tư của Tập đoàn T&T. Hiện bà cũng đang là Thành viên HĐQT của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội.
Ông Nguyễn Ngọc Nghị - thành viên HĐQT VNI, người nắm giữ 2,4 triệu cổ phiếu AIC. Ông là Phó Tổng Giám đốc CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội từ năm 2007.
Ông Vũ Đức Tiến nắm giữ hơn 4 triệu cổ phiếu AIC, là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội và là thành viên HĐQT Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội.
Bà Đoàn Thị Thanh Vân nắm giữ 4,5 triệu cổ phiếu AIC, từng đóng nhiều vai trò quan trọng tại Tập đoàn T&T hay doanh nghiệp trong hệ sinh thái như CTCP Kinh doanh & Đầu tư Việt Hà,…
Ông Vũ Trọng Tuấn sở hữu 4,95 triệu cổ phiếu AIC, cũng có 15 năm thâm niên tại Tập đoàn T&T.
Ông Nguyễn Văn Mạnh nắm giữ 3,68 triệu cổ phiếu AIC, hiện làm Thành viên HĐQT và Phó Tổng Giám đốc CTCP Cảng Quảng Ninh, một công ty trong hệ sinh thái của doanh nhân Đỗ Quang Hiển. Ông Mạnh cũng từng có hơn 8 năm làm việc với tư cách Trưởng phòng kinh doanh tại CTCP Tập đoàn T&T.
Tổ chức duy nhất đăng ký chuyển nhượng cổ phiếu AIC lần này là CTCP Dịch vụ và Kỹ thuật Tài chính Việt Nam. Công ty này từng là nhà đầu tư mua vào 600 tỷ đồng trái phiếu của đợt phát hành năm 2019 của của Chứng khoán SHS. Vào năm 2020, toàn bộ số trái phiếu này đã được mang đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội – chi nhánh 49 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, một lượng lớn cổ phiếu AIC thuộc sở hữu của các thể nhân trong danh sách đăng ký thoái vốn nói trên đã từng được sử dụng để thế chấp ở Ngân hàng TMCP An Bình – chi nhánh 101 đường Láng Hạ, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội – chi nhánh 49 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, Công ty bảo hiểm hàng không VNI ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hơn 2.327,9 tỷ đồng, tăng 56,4% so với mức thực hiện năm 2021. Trừ đi tổng chi phí hoạt động cốt lõi, doanh nghiệp lãi gộp hơn 47,8 tỷ đồng, tăng trưởng gần 68%.
Doanh thu hoạt động tài chính cải thiện 6% so với năm 2021, đạt 250,8 tỷ đồng doanh thu. Tuy nhiên do chi phí tài chính tăng cao, lợi nhuận từ hoạt động này giảm 8% so với cùng kỳ, đạt hơn 226 tỷ đồng.
Trừ đi thuế phí, VNI báo lãi sau thuế cả năm 2022 hơn 21 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 6%.
DB Insurance là một trong những hãng bảo hiểm hàng đầu Hàn Quốc. Tại thị trường Việt Nam, DB Insurance năm 2015 đã chi 1.077 tỷ đồng để mua vào 37% cổ phần tại CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI). Nhà đầu tư ngoại suốt nhiều năm không giấu diếm tham vọng sở hữu chi phối PTI, tuy nhiên đã thua cuộc trước nhóm cổ đông đối lập VNDirect trong đợt đấu giá của VNPost vào cuối năm 2021.