Nguy cơ cao về vấn nạn buôn người
Ở Beregsurany, Hungary, các tình nguyện viên và người dân địa phương đã đến biên giới để giúp đỡ những người tị nạn Ukraine bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, ngay sau đó, mọi thứ trở nên bất ổn khi các tình nguyện viên bắt đầu nhìn thấy những kẻ khả nghi tiếp cận phụ nữ và trẻ em mời chào.
Imre Szabtan, một tình nguyện viên của tổ chức từ thiện nói với Insider rằng, những người tị nạn trở nên cảnh giác và không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai. "Chúng tôi đã thấy có những đối tượng khả nghi tiếp cận, đón và mời chào người tị nạn. Chúng tôi đã phải đi ra và nói rằng, chúng tôi rất vui khi nhận được sự được sự giúp đỡ của họ, nhưng những người tị nạn cần ra khu vực đăng ký và làm các thủ tục trước. Sau đó, những kẻ kia mới miễn cưỡng buông bỏ”, anh Szabtan kể thêm.
Một gia đình gồm 5 người tị nạn Ukraine đã đến biên giới Hungary. Ảnh: Insider |
Kể từ khi nhận thức về mối đe dọa của nạn buôn người ngày càng tăng, khu vực biên giới Hungary này đã bị đóng cửa đối với các trường hợp qua lại bằng đường bộ. Thay vào đó, tổ chức từ thiện nói trên đã sắp xếp các chuyến xe buýt để đón những người tị nạn tại biên giới và đưa họ trực tiếp đến một trại tị nạn được thiết lập cách đó không xa. Tại khu vực đó, cảnh sát và tình nguyện viên sẽ giám sát những ai đang đến và đi.
Ông Ilias Chatzis, thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm cho biết, ngay cả khi các quốc gia có biên giới với Ukraine đều nhận thức về nạn buôn người đang gia tăng, những phụ nữ và trẻ em Ukraine vẫn rất dễ bị lừa trong quá trình di chuyển xung quanh châu Âu để tìm kiếm sự ổn định.
Ông Ilias Chatzis, thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm. Ảnh: Zoom/Insider |
Ông Illias nói thêm: “Các cuộc chiến tranh sẽ tạo ra nạn buôn người, vì khi đó mọi người dễ bị tổn thương. Họ mất tất cả những gì họ có, chạy trốn khỏi sự tàn phá và chết chóc. Đối với cuộc chiến tại Ukraine, 90% người tị nạn là phụ nữ và trẻ em gái vì những người đàn ông đều ở lại nhập ngũ".
Nạn buôn người là một trong những loại tội phạm nguy hiểm trên toàn thế giới. Những kẻ săn người thường sử dụng bạo lực, hoặc đưa ra lời mời chào về giáo dục hoặc cơ hội việc làm, để lừa các nạn nhân. “Nam giới, phụ nữ và trẻ em đều có thể bị sử dụng để bán dâm, lao động chân tay hoặc trong một số trường hợp, họ bị buộc phải chiến đấu trong các cuộc xung đột địa phương”, ông nói Illias nói thêm.
Tính đến cuối tuần này, không có trường hợp buôn bán người tị nạn Ukraine nào được xác nhận. Tuy nhiên, đã có nhiều báo cáo về khả năng bị bóc lột tình dục và ở mức độ thấp hơn là cưỡng bức lao động. Trong thời gian tới, rất có khả năng có thêm các báo cáo về những vụ buôn người.
Vị quan chức Liên Hợp Quốc cũng cho biết, các quốc gia châu Âu đã thực hiện những biện pháp quan trọng để ngăn chặn nạn buôn người. Liên minh châu Âu (EU) đã khởi xướng một "chỉ thị nhân đạo" cho phép người tị nạn vào các nước khác tự do, cho phép họ làm việc và tiếp cận với an sinh xã hội và giáo dục.
"Vì vậy, tất cả các vấn đề mà chúng tôi gặp phải trước đây, bao gồm về các thủ tục xin tị nạn, giấy tờ,...đã không còn”, ông Illias thông báo.
Người tị nạn đặc biệt dễ bị tổn thương
Mặc dù đã tạo điều kiện hết sức có thể và cho phép những người tị nạn Ukraine đi bộ qua biên giới, gặp các nhà chức trách và tìm nơi trú ẩn, nhưng mối nguy hiểm của họ vẫn còn đó.
Trong khi rất nhiều nguồn lực đã được dành cho các nước có chung biên giới Ukraine, nhưng những người tị nạn từ nước này đang di chuyển khắp châu Âu. Ở Romania, 800.000 người đã vượt biên từ Ukraine đến nhưng chỉ 80.000 người còn lại ở đó, trong khi những người khác đang đi tiếp tới các quốc gia khác.
Ngôi làng Medyka, đông nam Ba Lan, đang đón hàng trăm người tị nạn đang chạy trốn khỏi xung đột tại Ukraine. Ảnh: Imago |
Ban đầu, những phụ nữ và trẻ em Ukraine đến các nước châu Âu có thể tìm nơi trú ẩn và viện trợ, nhưng quan chức Liên Hợp Quốc Illias Chatzis lo lắng về viễn cảnh cuộc xung đột này kéo dài. Nhiều quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với gánh nặng tài chính từ Covid-19 và nếu viện trợ nhân đạo bị cắt giảm, những phụ nữ và trẻ em này (nhiều người trong số họ có thể không nói được ngôn ngữ mẹ đẻ của quốc gia mà họ tị nạn) - cuối cùng có thể lại rơi vào tay của những kẻ buôn người.
Trong khi mối đe dọa lớn nhất đối với những người tị nạn Ukraine là bóc lột tình dục, thì lao động cưỡng bức cũng có thể xảy ra. Trước đây cũng ghi nhận nhiều người Ukraine đã bị cưỡng bức lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp.
"Mùa thu hoạch sắp đến rồi. Năm nay, những người đàn ông Ukraine không có, nhưng có rất nhiều phụ nữ. Vì vậy, chúng tôi không biết điều này sẽ diễn ra như thế nào”, ông Illias Chatzis nói, đồng thời đưa ra số liệu tính đến năm 2020 đã có nhiều nạn nhân người Ukraine trong các vụ buôn người ở 29 quốc gia trên thế giới.
“Điều đó có nghĩa là có những mạng lưới buôn bán nạn nhân Ukraine có thể vẫn đang hoạt động và chúng đang tận dụng hết tình hình hiện nay”, ông cảnh báo.
Luôn cảnh giác và nâng cao nhận thức
Ông Illias Chatzis thường nhận được câu hỏi rằng người dân bình thường có thể làm gì để ngăn chặn nạn buôn người. Nhưng câu trả lời không phải là dễ dàng. "Đó là một tội ác mà các cá nhân không thể đủ sức ngăn chặn. Trên thực tế, các nhà chức trách tại các quốc gia và các khu vực phải đảm bảo những điều này không xảy ra”, ông nói.
Đối với các quốc gia, cần có trách nhiệm xây dựng các hệ thống ngăn chặn, xác định và truy tố các vụ buôn bán người. Đối với những người dân, điều này cần phụ thuộc vào nhận thức và giáo dục.
Bà Monika Cissek-Evans, người đứng đầu tổ chức tình nguyện Jadwiga ở Bavaria, Đức, cảnh báo rằng: "Tất cả phụ nữ nên giữ gìn cẩn thận hộ chiếu và số điện thoại của họ. Và đừng tin tưởng một cách mù quáng vào những phụ nữ khác vì không chỉ đàn ông mới là kẻ buôn người".
“Cần phải nhận thức được thực tế rằng, buôn người là bóc lột, hay hiểu đơn giản là cách chúng đang lợi dụng và sử dụng một người khác. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng việc giáo dục trẻ em. Ngoài ra, tất cả mọi người cần tỉnh táo trước bất kỳ lời mời chào, dụ dỗ. Vấn nạn buôn người cũng cần trở thành một chủ đề thường được cảnh báo trên các chương trình thời sự”, ông Chatzis nhận định.
Ngày 20/4, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố, hơn 5 triệu người Ukraine hiện đã rời khỏi đất nước để tị nạn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Ngoài hơn 5 triệu người đi tị nạn ở nước ngoài, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ước tính có 7,1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong nước do chiến sự.
Theo quan chức biên phòng Ukraine, ông Andriy Demchenko, khoảng 1,1 triệu người Ukraine đã trở về đất nước kể từ khi chiến sự bắt đầu. Tuy nhiên, ông không làm rõ liệu trong số này có bao nhiêu người đã đi tị nạn nhưng trở về.