10 ngày trước tết Trung thu, các nghệ nhân ở Phố cổ Hà Nội đã phục dựng các mẫu đèn Trung Thu cổ bị thất truyền như đèn cá chép hóa rồng, đèn cá chép trông trăng, đèn cua sống, đèn cua chín, đèn thỏ, đèn bướm, đèn tôm, đèn trống. |
Gian hàng mặt nạ, trống và những đồ chơi dân gian trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Với điểm nhấn “Đèn Thu lung linh," chương trình được tổ chức góp phần tạo ra một sân chơi đặc sắc, giúp các em nhỏ cùng du khách có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử, văn hóa. |
Chiếc đèn cá chép được phục dựng cầu kỳ nhờ bàn tay của các nghệ nhân. |
Đèn kéo quân lung linh rực rỡ với thiết kế được làm từ giấy, khung trúc và gỗ vốn thường xuất hiện trong các phim truyền hình cổ trang. Đây là một trong những loại đèn phổ biến nhất trong lễ Trung thu ngày đó. |
Đèn ông sao truyền thống là mẫu đèn hiếm hoi phổ biến thời xưa còn thịnh hành cho tới tận ngày nay như một biểu tượng của Tết Trung thu. Hình ảnh những chiếc đèn ông sao 5 cánh được làm bằng giấy nilon ngũ sắc, không có những vòng kim tuyến xung quanh có vẻ không sặc sỡ như những chiếc đèn lồng hiện tại nhưng lại mang một nét hoài cổ. |
Nhiều bạn trẻ đã chọn nơi đây là nơi chụp hình thay vì những địa điểm đã quá phổ biến và đông đúc như phố Hàng Mã hay phố đi bộ Hồ Gươm. |
Đến tham quan khu trưng bày, các em nhỏ có thể tìm hiểu thêm về những loại đồ chơi xưa, trân trọng văn hóa của dân tộc mình. Đối với các bậc ông bà cha mẹ, đó cũng là dịp được hồi ức trở về tuổi thơ của chính mình. |
Chương trình diễn ra cho đến hết ngày rằm Tháng 8 tại quần thể di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long. Riêng các ngày 23 và 24/9, chương trình có thêm các hoạt động vào buổi tối, đặc biệt là tour đêm “Đèn thu lung linh” của Hoàng thành Thăng Long sẽ diễn ra trong 3 tối từ 19 đến 21h ngày 27 đến 29/9, với các hoạt động đặc sắc: Tham quan không gian trưng bày các loại đèn trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa; thưởng thức nghệ thuật múa sư tử chào mừng. |