Những nhóm ngành 'ngược lối' khi VN-Index trong xu hướng giảm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
09:51 - 13/02/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Trong xu hướng giảm giá chung, bảo hiểm là nhóm ngành có diễn biến khả quan nhất khi chỉ để mất trung bình -17,9% thị giá, trong khi đó dịch vụ tài chính lại là nhóm mất nhiều điểm nhất (trung bình -52,6%).

Trải qua một năm 2022 đầy biến động với nhiều diễn biến khó lường, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã khởi đầu năm 2023 với nhịp tăng điểm tốt và duy trì được xu hướng hồi phục kể từ giữa tháng 11/2022 đến nay, động lực chính cho thị trường đến từ khối ngoại với đà mua ròng mạnh mẽ.

Nhìn lại lịch sử đi vào hoạt động kể từ tháng 7/2000, VN-Index cũng đã trải qua những quãng thời gian biến động mạnh với xu hướng tăng, giảm đan xen nhau. VN-Index 2023 dự kiến sẽ vận động ra sao khi nhìn lại vào lịch sử?

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong 23 năm đi vào hoạt động kể từ ngày 28/07/2000, VN-Index có số lượng các năm tăng giá nhiều hơn so với các giai đoạn giảm giá, tuy nhiên trong các giai đoạn thị trường giá giảm chỉ số điều chỉnh mạnh.

Cụ thể như sau: VN-Index có 12/23 năm trong xu hướng tăng giá (chiếm 52%), 6 năm thị trường ở trong xu hướng giảm điểm (tương đương 26%) và có 5 năm thị trường ở trong xu hướng đi ngang (tương đương 22%).

Xu hướng tăng điểm là xu hướng chủ đạo của chỉ số VN-Index, đặc biệt là giai đoạn 2004-2007, 2016-2017 và 2020-2021. Tuy nhiên những năm chỉ số bước vào giai đoạn giảm điểm lại chứng kiến mức giảm điểm mạnh, đặc biệt là giai đoạn 2002-2003 (giảm trung bình trên 26%), năm 2008 (giảm 68%), năm 2011 (giảm 28%) và thị trường vừa trải qua năm 2022 với mức giảm trên 40%.

Diễn biến VN-Index trong 3 đợt “thị trường gấu”.
Diễn biến VN-Index trong 3 đợt “thị trường gấu”.

Từ dữ liệu thống kê, BSC nhận thấy rằng thời gian tăng điểm của TTCK Việt Nam từ khi hình thành đến nay vẫn áp đảo (chiếm 52%), dù vậy tính biến động khá lớn. Điều này cũng cho thấy TTCK Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ sự đi lên của nền kinh tế, sự mở rộng của lực lượng nhà đầu tư nhưng vẫn giữ những điểm cơ bản của các thị trường biên là tính biến động cao.

BSC đánh giá chu kỳ lớn của thị trường có dấu hiệu thu hẹp. Ở chu kỳ tăng điểm trước khoảng 10 năm từ 2007 – 2017 thì chu kỳ tiếp theo 2018 – 2023 chỉ còn 5 năm.

Ngoài yếu tố chu kỳ nền kinh tế bị rút ngắn do các yếu tố can thiệp chính sách để chống lại dịch bệnh kéo theo chu kỳ chứng khoán thay đổi, điều này cũng gợi ý cho việc đánh giá xu hướng công nghệ 4.0 giúp nhà đầu tư tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng hơn với các thông tin, báo cáo, các quy định rút ngắn thời gian giao dịch… khiến cho tốc độ và vòng quay cổ phiếu được đẩy nhanh hơn trước.

Về diễn biến các nhóm ngành, theo dữ liệu của BSC, trong các giai đoạn thị trường tăng giá, các nhóm ngành dịch vụ tài chính, ô tô và phụ tùng diễn biến tích cực nhất. Ở xu hướng giá giảm, các nhóm ngành bảo hiểm, thực phẩm đồ uống, điện, nước, xăng dầu có diễn biến khả quan hơn so với các nhóm còn lại.

Trong xu hướng tăng giá, nhóm dịch vụ tài chính là nhóm có mức tăng trung bình tốt nhất (trung bình 132%), nhóm bảo hiểm tăng kém tích cực nhất khi chỉ tăng trung bình 4,18%. Ngược lại trong xu hướng giảm giá, nhóm bảo hiểm là nhóm có diễn biến khả quan nhất khi mất trung bình -17,9%, đặc biệt trong năm 2018 nhóm này ghi nhận tăng 18,51%. Trong khi đó, dịch vụ tài chính lại là nhóm mất nhiều điểm nhất (trung bình -52,6%).

Điều này cũng phản ánh chính xác sự vận động của các nhóm ngành mang tính chất chu kỳ. Trong xu hướng đi ngang, nhóm điện, nước ghi nhận tăng tốt nhất (trung bình 65%), trong khi đó nhóm dầu khí ghi nhận diễn biến tiêu cực so với các nhóm còn lại.

Diễn biến nhóm ngành trong các năm VN-Index có xu hướng giảm giá và đi ngang.
Diễn biến nhóm ngành trong các năm VN-Index có xu hướng giảm giá và đi ngang.

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2023, BSC đánh giá bối cảnh hiện tại có sự khác biệt khá lớn so với giai đoạn dịch bệnh 2020 - 2021. Trong đại dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Hiện nay, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đang trong thời kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ kể từ năm 2022 và dự báo còn kéo dài trong năm 2023, nhất là trong bối cảnh lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu tuy đã có dấu hiệu đạt đỉnh nhưng vẫn còn cao hơn mức mục tiêu rất nhiều.

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng cho biết định hướng của họ là vẫn cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ thêm cho đến khi hoàn toàn kiểm soát được lạm phát, bên cạnh đó nhiều tổ chức đang nhận định Fed có thể sẽ “diều hâu” hơn so với dự kiến và như vậy môi trường lãi suất cao nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài trong 2023.

Trong nước, những vấn đề thách thức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu khi sẽ có khoảng 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong 2023. Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã phát đi thông điệp không hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên các vấn đề như xem xét cơ cấu các khoản nợ, mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản… cần được nghiên cứu cẩn trọng và xin ý kiến của Chính phủ.

BSC nhận định thị trường 2023 sẽ giằng co đi ngang và tăng nhẹ trong nửa đầu năm. Đến nửa cuối năm, khi các hướng đi vĩ mô trở nên rõ ràng hơn thì thị trường có thể sẽ hồi phục lạc quan, vững chắc hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp