Những nội dung được góp ý nhiều nhất cho Luật Đất đai sửa đổi

LUẬT ĐẤT ĐAI Bộ TN&MT
14:37 - 13/03/2023
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân. Ảnh minh họa
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường tính đến sáng 13/3 cho thấy, đã có 7.979 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên website lấy ý kiến nhân dân.

Sáng 13/3, Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân chủ trì cuộc họp tổ biên tập dự án Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) về việc hoàn thiện hồ sơ Dự thảo.

Báo cáo về việc lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi - ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo cho biết, tổng hợp ý kiến góp ý tại hội nghị, hội thảo lấy ý kiến với Hội Nông dân Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, 5 tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận cho thấy, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã góp ý cụ thể vào từng chương, mục, điều khoản của dự thảo Luật; những kiến nghị sửa đổi các điều, khoản cụ thể của Dự thảo Luật.

Theo đó, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề về: Quy định chung; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; Đất nông, lâm trường; đất cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Dựa trên các ý kiến góp ý, tổ biên tập Dự thảo đã chủ động nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc ngày 9/3, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại các hội nghị lấy ý kiến.

Trước đó, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 120/QĐ - BTNMT ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP. Theo đó, từ ngày 20/2-15/3, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các đoàn công tác theo dõi, đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại các địa phương.

Bộ TN&MT dự kiến hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân trước ngày 27/3/2023; trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 1/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 5/4/2023.

Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai sửa đổi, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ V, trước ngày 25/4/2023.

Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ TN&MT và VCCI tổ chức ngày 8/3 vừa qua.
Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do Bộ TN&MT và VCCI tổ chức ngày 8/3 vừa qua.

10 nội dung mới tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân với 10 nội dung mới sau đây:

Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất. Bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: Công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Tin liên quan

Đọc tiếp