Tỷ phú Trần Đình Long tại ĐHĐCĐ sáng 11/4. Ảnh: HPG |
Ông Long được biết đến là vị chủ tịch thẳng thắn đối thoại với cổ đông, có những quan điểm, thông tin chia sẻ thú vị. Đại hội năm nay của Hoà Phát cũng vậy.
Sáng 11/4, hàng trăm cổ đông của Hoà Phát tham dự trực tiếp, ngồi gần kín phòng hội trường lớn Khách sạn Melia Hà Nội. Như năm ngoái, để dành thời gian cho thảo luận, ban tổ chức đề xuất không trình bày các báo cáo và đi thẳng vào phần hỏi đáp. Trong suốt hơn 2 tiếng, hàng loạt câu hỏi được đưa ra, và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tham gia trả lời đa số, với nhiều phát ngôn ấn tượng.
“Tôi đang rút dần khỏi Hoà Phát”
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết, năm nay ông đã 64 tuổi và đang rút dần khỏi Hòa Phát. Hiện nay, ông đại diện Hội đồng quản trị phụ trách các hoạt động về chiến lược, quy chế, tổ chức nhân sự cấp cao.
Trong khi các hoạt động như mua bán nguyên vật liệu, giá bán thép hàng ngày ông không còn quan tâm. Ông Long cũng chia sẻ với cổ đông rằng hiện nay ông thường dành 3 buổi mỗi tuần để đi chơi golf, tăng cường sức khoẻ.
“Cổ phiếu Hoà Phát chỉ từ tốt đến tốt”
Một cổ đông đặt câu hỏi về việc cân đối phân chia lợi nhuận giữa đầu tư phát triển và chia cổ tức cho cổ đông. Ông Trần Đình Long cho biết, Hoà Phát đã có quá trình xuyên suốt thực hiện việc cân đối này, những năm vừa qua dù đầu tư lớn nhưng công ty vẫn đề cao thực hiện quyền lợi cho cổ đông. “Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất, tôi góp tiền đi làm và cũng mong kiếm được tiền. Vì vậy, đường lối của tập đoàn không có gì thay đổi cả,” ông Long nói, đồng thời dự kiến từ năm 2025 sẽ tiếp tục trả cổ tức tiền mặt.
“Cổ đông còn tham gia vào Hoà Phát thì nên theo chiến lược như vậy, đầu tiên là ưu tiên cho đầu tư phát triển doanh nghiệp một cách hợp lý, sau đó là chia cổ tức. Hàng năm Hoà Phát đều chia cổ tức, nếu không bằng tiền mặt thì cũng bằng cổ phiếu, cổ phiếu của Hoà Phát chỉ từ tốt đến tốt,” ông Long chia sẻ.
“Hoà Phát sẽ chỉ làm những việc khó”
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch mở rộng công suất ống thép và tôn, ông Trần Đình Long cho biết, ống và tôn là những sản phẩm truyền thống, tương đối dễ làm. Trong khi đó, định hướng của Hoà Phát thời gian tới là “chỉ làm những việc khó”. Vì vậy công ty sẽ chỉ đầu tư quy mô vừa và nhỏ cho sản phẩm này.
“Hoà Phát sẽ nghiên cứu các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, khó, đầu tư lớn, đáp ứng sản xuất ô tô, đóng tàu, quân sự, thép chế tạo...,” ông Long nói. Chủ tịch HPG tiết lộ thêm, công ty đang nghiên cứu sản xuất hai sản phẩm cực khó và chưa phổ biến ở Việt Nam. Đó là tôn silic - sản phẩm sử dụng trong máy biến áp điện, động cơ và máy phát điện, dùng cho xe điện; và thép đường ray chất lượng cao, đáp ứng cho tàu chạy vận tốc 800-1.000 km/h.
Cổ đông "quây" kín ông Long trong suốt thời gian nghỉ giải lao. |
“Chiến trường thép đang cực kỳ khốc liệt”
Liên quan đến việc mở rộng các mảng kinh doanh khác, ông Trần Đình Long nhận định “chiến trường thép đang cực kỳ khốc liệt”, với sự cạnh tranh gay gắt và đòi hỏi tiềm lực, nhân sự lớn. Vì vậy trong ngắn hạn 5-10 năm tới, Hoà Phát sẽ tập trung vào lĩnh vực chủ chốt, với “cú đấm thép” đang chuẩn bị là Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2.
Theo đó, với lĩnh vực bất động sản, Hoà Phát sẽ hoàn thiện các dự án nhà ở đã có pháp lý, không mở rộng thêm. Riêng lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, do đã có “tay nghề” 30 năm nên công ty sẽ tiếp tục phát triển.
Ông Trần Đình Long cũng thông tin, Hoà Phát đã quyết định dừng dự án nghiên cứu sản xuất bô-xit và nhôm tại Đắk Nông.
“Nhiều công ty đã phải nhận hậu quả kinh hoàng do dùng đòn bẩy tài chính”
Liên quan đến vấn đề tài chính, ông Long cho biết, Hoà Phát là một trong những doanh nghiệp thép hiếm hoi trên thế giới sử dụng vốn vay dưới 50% trong khi các doanh nghiệp khác thường vay 70%, vốn tự có khoảng 30%. Việc vay vốn ít để đầu tư khiến Hoà Phát cũng bị mang tiếng là bảo thủ khi không dùng đòn bẩy tài chính nhiều. Tuy nhiên, quan điểm của tập đoàn là dùng vốn đầu tư phải an toàn.
'Chiến trường thép' khốc liệt, Hòa Phát muốn làm đường ray tàu cao tốc
Trong tương lai gần, ông Long khẳng định công ty sẽ không tăng việc sử dụng đòn bẩy tài chính, với bài học nhãn tiền chính là hai năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phải nhận hậu quả "kinh hoàng" do dùng đòn bẩy tài chính. Vị thế “vua tiền mặt” của Hòa Phát, theo ông Long là để chuẩn bị lượng tiền mặt lớn cho dự án Dung Quất 2, không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư, “ôm” bất động sản.
“Không nước nào chấp nhận thép nhập khẩu lớn hơn sản xuất trong nước”
Chia sẻ với cổ đông xoay quanh việc Hòa Phát và Formasa gửi đơn yêu cầu điều tra thép cán nóng (HRC) xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ, ông Trần Đình Long cho rằng đây là điều rất thông thường. Quan điểm bảo vệ sản xuất trong nước là bình thường ở Việt Nam và trên thế giới. Nước nào cũng không chấp nhận hàng hóa nước ngoài tràn vào. “Không một nước nào trên thế giới chấp nhận thép nhập khẩu lại lớn hơn cả sản xuất trong nước,” ông nhấn mạnh.
Ông Long chia sẻ thêm, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam đang quá lớn và có nguy cơ đè bẹp sản xuất trong nước. Quý 1/2024, Hòa Phát và Formosa sản xuất được hơn 2 triệu tấn thép nhưng lượng nhập khẩu vào đã hơn 3 triệu tấn. Hòa Phát đã gửi kiến nghị điều tra chống bán phá giá và đơn đang được Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương thẩm định.
Chủ tịch Hòa Phát cũng cho rằng áp thuế chống bán phá giá không có nghĩa sẽ khiến giá bán bị đẩy lên cao. Nếu có thuế chống bán phá giá thì ngành tôn mạ có thể sẽ tốt hơn, giá cả ổn định hơn.