Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. (Ảnh: NHNN) |
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trọng tâm công tác của NHNN là tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
"Đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023. Đây là thông tin tích cực cho cả nền kinh tế, không phải chỉ trong hệ thống ngân hàng," ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Theo Phó Thống đốc, tín dụng của toàn hệ thống đã tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm, tuy nhiên tình hình đã trở nên tích cực hơn từ tháng 3/2024, qua đó tạo đà tốt hơn cho cả quý 2 và đạt được kết quả tăng trưởng đúng như tiến độ nói trên.
Tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng cũng tích cực triển khai các chương trình như 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chia sẻ, tín dụng cơ bản đã "đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên".
Tín dụng ở các khu vực đều ghi nhận sự tăng trưởng, trong đó tín dụng vào lĩnh công nghiệp và xây dựng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như cho công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...
Riêng tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% tổng tín dụng bất động sản. Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%.
Toàn cảnh họp báo. |
Trên cơ sở kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, cùng với những dự báo về kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong những tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
"NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, ổn định tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền," ông Tú nói.
Về tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ điều hành tăng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng vào những lĩnh vực trọng tâm, là động lực của nền kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang trình chính phủ để nâng điều kiện ưu đãi hơn cho người mua nhà, còn các doanh nghiệp thì vẫn được hưởng các ưu đãi trước đây.
Đồng thời, NHNN cũng khuyến khích và tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại tham gia chương trình. Với gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản, nếu triển khai hết ngành ngân hàng sẽ có thêm vốn (khoảng 15.000 tỷ đồng) để hỗ trợ, vì đây là những lĩnh vực tạo động lực cho xuất khẩu.