Sau 6 năm có mặt trên thị trường chứng khoán, cơ cấu sở hữu của Kosy vẫn còn rất cô đặc. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Chốt phiên 4/1, cổ phiếu KOS của CTCP Kosy (HoSE: KOS) tăng 0,25% lên mức 39.500 đồng/CP với thanh khoản 284.500 đơn vị được giao dịch. Vốn hóa của Kosy hiện ở mức 8.551 tỷ đồng, cao hơn nhiều cái tên gạo cội trên thị trường như Hà Đô, DXS, Khải Hoàn Land và xấp xỉ Hoàng Huy TCH.
Đây là phiên tăng điểm thứ 10 trong 12 phiên gần nhất của KOS. Dù có chuỗi giao dịch khá “tích cực”, thị giá của KOS chỉ tăng từ 39.250 đồng/CP lên 39.500 đồng/CP, khi các phiên tăng điểm thường chỉ với biên độ 0,1% - 0,3%.
Trên thực tế, KOS là một trong những cổ phiếu ổn định nhất ngành bất động sản, nếu không muốn nói là trên cả thị trường chứng khoán.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, KOS chủ yếu giao dịch trong khoảng 36.000 – 39.000 đồng/CP. Biên độ tăng giảm mỗi phiên thường ở dưới mức 0,5% với thanh khoản vài trăm nghìn cổ phiếu. Trước đó, trong năm 2022, cổ phiếu này cũng chủ yếu giao dịch trong khoảng 32.000 – 36.000 đồng/CP.
Trong giai đoạn tháng 11/2022, khi VN-Index giảm mạnh về đáy 910 điểm, hàng loạt cổ phiếu bất động sản liên tục giảm sàn và tìm đáy lịch sử dưới áp lực bán giải chấp trên diện rộng, KOS là một trong số ít mã trong ngành không bị ảnh hưởng và thường xuyên ngược dòng thị trường, giao dịch chủ yếu trong vùng 35.000 – 36.000 đồng/CP.
Diễn biến cổ phiếu KOS từ khi lên sàn. Ảnh: VNDIRECT |
CTCP Kosy được doanh nhân Nguyễn Việt Cường thành lập năm 2008 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng, ban đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển hướng sang bất động sản với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38 ha ở TP Lào Cai.
Giai đoạn 2014 – 2017, công ty phát triển nhanh chóng khi liên tục tăng vốn mạnh mẽ, đồng thời triển khai nhiều dự án bất động sản ở Bắc Giang và Thái Nguyên, bên cạnh dự án chủ lực ở Lào Cai. Đến cuối năm 2017, Kosy đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, và chính thức được niêm yết ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM gần 2 năm sau đó.
Liên doanh đăng ký dự án 6.000 tỷ đồng ở Long An có tiềm lực thế nào?
Thông thường các doanh nghiệp tư nhân lên sàn với mục tiêu chính là huy động vốn, trong đó chủ yếu là huy động vốn từ nhà đầu tư sơ cấp thông qua các đợt chào bán cổ phiếu, phát hành thêm. Với trường hợp của Kosy, đây dường như chưa phải mục tiêu chính của giới chủ doanh nghiệp này, ít nhất là trong giai đoạn 6 năm vừa qua.
KOS hiện là một trong bất động sản có tỷ lệ sở hữu cô đặc bậc nhất sàn HoSE ở thời điểm hiện tại. Tại 6 cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên gần nhất, tỷ lệ tham dự luôn ở trên mức 90%.
Bên cạnh đó, dù thanh khoản cổ phiếu KOS từ năm 2020 đến nay thường xuyên duy trì ở mức vài trăm nghìn đơn vị mỗi phiên, số lượng cổ đông hầu như không có nhiều thay đổi. Tính đến ngày 22/5/2023, công ty có 437 cổ đông, chỉ tăng hơn 100 cổ đông so với trước thời điểm lên sàn HoSE năm 2019.
Tính đến giữa năm 2023, gia đình Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường trực tiếp sở hữu 52,08% vốn của Kosy, trong khi pháp nhân liên quan là CTCP Đầu tư Leo Regulus cũng nắm giữ 11,64% vốn điều lệ công ty này. Tổng số cổ phần ông Cường cùng các bên liên quan nắm giữ là xấp xỉ 64% - con số rất lớn so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.
Nắm giữ phần lớn cơ cấu sở hữu, nhiều thành viên trong gia đình doanh nhân Nguyễn Việt Cường còn đảm nhận các vị trí chủ chốt của Kosy. Trong đó, vợ ông Cường - bà Nguyễn Thị Hằng là Phó Chủ tịch HĐQT, em gái Nguyễn Thị Phương Thảo là Phó Tổng giám đốc.
Ở một diễn biến đáng chú ý, chứng thư thẩm định giá số 20/2021/CT-KVA ngày 10/9/2021 do Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá KVA ban hành, đánh giá cổ phiếu KOS có giá trị 16.000 đồng/CP. Chốt phiên 10/9/2021, cổ phiếu KOS đóng cửa với mức giá 30.700 đồng/CP, cao gần gấp đôi so với mức định giá của KVA.
Việc cổ phiếu được neo giá ổn định là điều kiện thuận lợi để các cổ đông lớn của Kosy dễ dàng sử dụng các đòn bẩy tài chính, như vay vốn ngân hàng hoặc repo cổ phiếu. Đây là motif phổ biến trên thị trường chứng khoán, có thể thấy rõ trong thời gian qua ở các doanh nghiệp khác như Novaland, Phát Đạt, Hải Phát hay DIC Corp…
Trên thực tế, theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, trực tiếp Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cùng các thể nhân, pháp nhân liên quan đã nhiều lần mang hàng triệu cổ phiếu KOS làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay ngân hàng. Ví dụ như ông Nguyễn Việt Cường từ ngày 1-2/12/2020 đã thế chấp 8,2 triệu cổ phiếu KOS tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Tây Hồ.