Toàn cảnh ĐHĐCĐ Gelex sáng ngày 26/4 |
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức thành công sáng ngày 26/4 tại Khách sạn Melia, Hà Nội. Tính tới 9h sáng, Đại hội có sự tham dự của 143 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền), đại diện cho hơn 470 triệu cổ phần, tương đương 55,2% vốn điều lệ công ty.
Tại đại hội, một trong những nội dung được cổ đông quan tâm là tình hình kinh doanh của Gelex trong quý 1/2023. Trình bày về điều này, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương cho biết kết quả kinh doanh hợp nhất đạt 6.410 tỷ đồng giảm 13% so với quý 4/2022 và tương đương 17% so với kế hoạch của năm 2023. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 144 tỷ đồng, tương đương 11% kế hoạch 2023.
Ở mảng thiết bị điện, doanh thu thuần đạt 3.213 tỷ đồng, giảm 11% so với quý trước và 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các đơn vị vẫn đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch đề ra, với những quý sau Gelex định hướng các đơn vị chú trọng vào mảng xuất khẩu, tối ưu hóa tồn kho, giảm chi phí tài chính
Mảng vật liệu xây dựng bị ảnh hưởng nhiều trong quý 1. Ước đạt 1.538 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ do sản lượng bán hàng giảm. Mảng năng lượng và nước sạch thì lại có tăng trưởng với cùng kỳ, doanh thu thuần ước đạt 402 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Mảng khu công nghiệp bất động sản ước đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 46% so với quý 4/2022, giảm 23% so với cùng kỳ. Mảng khu công nghiệp đã bàn giao được 40ha, ở một số khu như Yên Phong, Tiền Hải, Phong Điền… Ở quý 1, Viglacera đã khởi công dự án nhà ở xã hội với diện tích 43.000 m2 tại Khu công nghiệp Phú Hà.
Về tình hình trái phiếu doanh nghiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền cho biết dư nợ trái phiếu của Gelex tại 31/12/2022 được phản ánh rõ trên BCTC soát xét, còn khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong đó có 1 khoản trái phiếu 800 tỷ đồng được bảo lãnh nước ngoài với thời hạn 10 năm. Trong năm 2023, số lượng trái phiếu đáo hạn là 700 tỷ đồng.
“Cổ đông yên tâm là tập đoàn đã chuẩn bị đầy đủ để trả nợ đúng hạn”, ông Hiền cho biết.
Ban quản trị Tập đoàn chủ trì Đại hội |
Một vấn đề được quan tâm khác là về tình hình hoạt động của Viglacera. Trả lời cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn cho biết, Viglacera liên tục có các dự án gối đầu trong năm 2022 với tiêu chí “bán 1m chuẩn bị 2m”, tập trung vào các địa phương có tiềm lực như Thái Nguyên (2 khu, trong đó 1 khu 400 ha đang trình chủ trương đầu tư), Yên Bái cũng có 1 khu 200 ha, đang trình chủ trương, bên cạnh đó là các địa phương như Thái Bình, Hưng Yên. Ông Tuấn đánh giá đây là một mảng vẫn có tiềm năng tốt và cũng là lĩnh vực đưa về lợi nhuận chính trong năm 2022 cho Viglacera.
Khi được hỏi về cổ phiếu GEX, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ giá trị cổ phiếu chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp và công sức, cố gắng của các thành viên Gelex. Ông Tuấn cho biết, trong giai đoạn này, để đạt được không chỉ là truyền thông, mà còn là nội tại của Gelex, các doanh nghiệp kinh doanh cốt lõi, các chiến lược, các định hướng, và đặc biệt là con người. Tổng giám đốc Gelex nhấn mạnh về 3 nhân tố quản trị xuyên suốt là tài chính, nhân sự và kiểm toán nội bộ.
Ở thời điểm hiện tại, hoạch định của Gelex bao gồm: Thứ nhất, các ngành nghề kinh doanh chính tìm kiếm các đối tác chiến lược lớn hàng đầu thế giới để hợp tác. Thứ hai, tập trung vào thị trường nước ngoài và tái cấu trúc gọn lại các mảng đầu tư không thể mở rộng được nữa, làm sao để tăng ROA, ROE.
Miễn nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Hoa Cương
Tại đại hội, cổ đông Gelex đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.457 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.272 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và giảm 39% so với thực hiện năm 2022.
Định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, đối với mảng thiết bị điện, vật liệu xây dựng, công ty đặt mục tiêu giữ và tăng trưởng thị phần trong nước các mặt hàng chiến lược, đồng thời mở rộng thị trường ra ngoài nước, đẩy mạnh công tác R&D, hợp tác với các đối tác lớn để sản xuất các sản phẩm mới.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo Gelex xác định mảng bất động sản công nghiệp (thông qua đơn vị thành viên Viglacera) là một trong những điểm sáng sẽ đóng góp vào kết quả chung của tập đoàn.
Một trong những nội dung đáng chú ý khác được cổ đông thông qua là việc miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Nguyễn Hoa Cương (Chủ tịch) và ông Nguyễn Trọng Tiếu (Phó Chủ tịch).
Gelex sẽ không bầu bổ sung thành viên HĐQT mới để thay thế cho các thành viên từ nhiệm. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 điều chỉnh từ 7 thành viên xuống còn 5 thành viên.
Ông Nguyễn Hoa Cương sinh năm 1961, là kỹ sư Chế tạo máy và thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Ông từng có thời gian dài làm Chủ tịch HĐQT Gelex từ năm 2010 cho tới khi nhường ghế cho ông Nguyễn Văn Tuấn vào năm 2018. Tới tháng 9/2020, ông được tái bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và giữ chức này cho đến nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Tiếu (SN 1959) có hơn 12 năm làm việc tại Gelex (từ năm 2010), từng kinh qua nhiều vị trí chủ chốt như Tổng giám đốc, thành viên HĐQT, rồi Phó Chủ tịch HĐQT.