Phát triển năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm từ Thái Lan

Phát triển năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm từ Thái Lan

NĂNG LƯỢNG THÁI LAN
14:53 - 21/04/2023
Cho tới thời điểm hiện nay, hầu hết các công ty chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Thái Lan đều đã có mặt tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 5 tỷ USD.

Phát triển đa dạng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) là chìa khóa được Thái Lan kỳ vọng đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính xuống 20,8% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon từ năm 2065 đến năm 2070, đồng thời cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và khí đốt tự nhiên nhập khẩu.

Những năm gần đây, không chỉ phát triển sản xuất năng lượng sạch trong nước, Thái Lan còn đẩy mạnh đầu tư các dự án NLTT ở nước ngoài. Mekong - ASEAN có dịp trao đổi cùng ông Somsak Chutanan - Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng tái tạo của Thái Lan, về định hướng phát triển NLTT ở quốc gia này cũng như chiến lược đầu tư vào lĩnh vực NLTT tại khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Mekong – ASEAN: Ông có thể chia sẻ thông tin về Thái Lan đang phát triển các nguồn NLTT như thế nào, thưa ông?

Ông Somsak Chutanan: Tại Thái Lan, sản xuất nhiệt điện dựa trên khí đốt chiếm gần 61,3% sản lượng điện hàng năm vào năm 2021. Trong khi đó, do nguồn cung từ Vịnh Thái Lan sụt giảm, tỷ trọng nguồn cung khí đốt nội địa ở Thái Lan đã giảm từ 64% xuống 40% trong nửa đầu năm 2022.

Dự báo dự trữ khí đốt tự nhiên của quốc gia dự kiến sẽ giảm mạnh vào năm 2030 nếu không tìm thấy nguồn dự trữ mới. Điều đó dẫn đến việc gia tăng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nhiên liệu hóa thạch từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Từ 20 năm trước, Thái Lan đã bắt đầu kế hoạch đa dạng hóa các nguồn năng lượng. Theo báo cáo Phân tích năng lượng gió Thái Lan - Triển vọng thị trường báo cáo đến năm 2035 cập nhật năm 2022 của GlobalData phát hành tháng 7/2022 đã cho biết, năng lượng gió chiếm 3% tổng công suất lắp đặt của Thái Lan và 2% tổng công suất phát điện vào năm 2021.

Công suất điện gió trên bờ đã tăng từ 6MW năm 2010 lên 1.523MW vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 66%. Dự kiến, điện gió trên đất liền sẽ đạt 2.023MW vào năm 2035, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 2% trong giai đoạn 2021-2035.

Trong Kế hoạch Phát triển Điện lực (PDP), Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tăng công suất điện từ 46.090MW năm 2017 lên 77.211MW vào năm 2037, trong đó 53% điện năng từ khí đốt tự nhiên, 35% từ nhiên liệu không hóa thạch và 12% từ than.

Với bức xạ mặt trời cao và tiềm năng năng lượng sinh học dồi dào, NLTT được dự đoán sẽ chiếm 21% tổng sản lượng năng lượng và hơn 30% tổng công suất lắp đặt vào năm 2037.

Cũng trong kế hoạch trên, mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 15,600MW công suất lắp đặt vào năm 2037. Để thuyết phục khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng mặt trời, ban đầu Chính phủ đã đưa ra mức giá ưu đãi (FIT) khoảng 25 US cent/kWh (tương đương 600 VNĐ) và rất nhiều dự án năng lượng mặt trời đã được phát triển.

Điện mặt trời áp mái cũng hấp dẫn các nhà đầu tư khi biểu giá đã tăng lên và cho phép chủ đầu tư bán điện cho chủ sở hữu với giá chiết khấu. Các nhà đầu tư ở Thái Lan đã ký Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) với người tiêu dùng để có được doanh thu cao hơn so với bán lên lưới điện.

Thái Lan đã và đang tiên phong với việc thí điểm mua bán điện mặt trời ngang hàng sử dụng nền tảng blockchain giúp duy trì độ ổn định, đồng thời lắp đặt thiết bị bảo vệ để cắt giảm công suất kịp thời khi nguồn cung vượt quá phụ tải đỉnh.

Dự án trang trại điện mặt trời nổi trên hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Sirindhorn, quận Sirindhorn và Dự án điện sinh khối ở quận Sawang Wirawong, tỉnh Ubon Ratchathani (Đông Bắc Thái Lan).

Dự án trang trại điện mặt trời nổi trên hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Sirindhorn, quận Sirindhorn và Dự án điện sinh khối ở quận Sawang Wirawong, tỉnh Ubon Ratchathani (Đông Bắc Thái Lan).

Một nguồn điện khác cũng được khuyến khích phát triển là điện sinh khối. Thái Lan là quốc gia phát triển mạnh về nông nghiệp với những sản phẩm như gạo, bột sắn, cao su, dầu cọ, giấy, đường… Vì vậy, phụ phẩm, phế liệu của những ngành này rất nhiều, nhu cầu phụ tải cũng rất lớn.

Việc xây dựng nhà máy điện sinh khối sử dụng các phế phẩm từ chính các nhà máy sản xuất này để phát điện được khuyến khích. Chính phủ sẽ mua lượng điện dư thừa và như thế đồng thời giúp các nhà máy điện vận hành đạt hiệu suất tối đa.

Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề chi phí đầu vào tăng cao do thiếu nguồn cung nguyên liệu, ngoài việc xác định công suất lắp đặt, việc phân vùng cũng đã được áp dụng. Chính phủ không cho phép xây dựng nhà máy điện mới nếu trong vòng bán kính 100 km tại khu vực đó đã có nhà máy điện.

Thủy điện nhỏ và vừa, điện rác chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nguồn điện của Thái Lan. Thủy điện có rất nhiều việc phải làm với người dân vùng hạ lưu nên tư nhân không tham gia vào lĩnh vực này. Còn điện rác chủ yếu phục vụ mục đích quản lý chất thải đô thị đúng cách.

Mekong - ASEAN: Chính phủ Thái Lan đã áp dụng chính sách khuyến khích đối với NLTT như thế nào?

Ông Somsak Chutanan: Chương trình ưu đãi của Chính phủ đối với phát triển NLTT chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Giá FIT được áp dụng theo lộ trình cụ thể. Giai đoạn đầu khuyến khích phát triển thì giá FIT rất cao như đã đề cập ở trên, sau đó sẽ giảm dần từng bậc xuống đến mức còn rất ít tính hấp dẫn.

Tổng công suất nguồn điện cần thiết, vị trí và công suất của từng nhà máy mới tại các địa điểm xác định được công bố cụ thể, chi tiết và nhà đầu tư được lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu.

"Chính phủ Thái Lan công bố công khai và đầy đủ thông tin các dự án và địa điểm thực hiện, nhà đầu tư có thể chủ động xây dựng lộ trình đầu tư. Đổi lại, Chính phủ cũng được cung cấp điện với giá cả hợp lý trong khi không phải đầu tư xây dựng nhà máy điện (có thể trở thành gánh nặng cho ngân sách)".

Ông Somsak Chutanan
Chuyên gia tư vấn độc lập về năng lượng tái tạo

Mekong – ASEAN: Quan hệ mua bán điện áp dụng đối với các nhà đầu tư tại Thái Lan diễn ra như thế nào, thưa ông?

Ông Somsak Chutanan: Yếu tố quan trọng trong phát triển NLTT cần được đề cập đến là những quy định về Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Nhưng trước khi đi đến ký kết PPA, để cho phép khu vực tư nhân có thể nhận khoản vay từ ngân hàng, biểu giá FIT được ban hành tính theo đơn vị tiền USD và được điều chỉnh theo tỷ giá liên ngân hàng. Điều đó đảm bảo rằng, nếu tỷ giá hối đoái thay đổi kể từ ngày hợp đồng được ký kết, biểu giá mua bán điện sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Điều đó giúp các nhà phát triển NLTT trút bỏ được lo lắng vì mối rủi ro này.

Một yếu tố nữa là quy định về thời hạn hợp đồng là 20 năm. Trong quãng thời gian đó, dự án mới phát sinh doanh thu, lợi nhuận và ngân hàng được đảm bảo cam kết về khả năng hoàn trả vốn vay.

Về mặt kỹ thuật, do nguồn điện từ dự án NLTT biến động rất nhiều nên trong trường hợp mất nguồn cung từ NLTT, lưới điện vẫn cần được đảm bảo bởi nguồn điện khác ổn định chạy nền. Điều này có thể làm tăng chi phí vận hành lưới điện. Để duy trì độ ổn định đáng tin cậy của hệ thống truyền tải, công suất huy động NLTT hiện được giới hạn ở mức không nhiều hơn 25%.

Một yếu tố quan trọng nữa trong PPA là chi phí nhiên liệu cho nguồn điện chạy nền. Tôi xin lưu ý rằng chi phí này chỉ dùng cho nhiệt điện - nhà máy sử dụng khí LNG hoặc than đá để sản xuất điện.

Nhiên liệu được giao dịch trên thị trường quốc tế, bao gồm chi phí vận chuyển đến địa điểm nhà máy nên chi phí nhiên liệu có thể dao động tùy theo sự điều tiết của thị trường. Đây cũng chính là một trong những lý do tại sao chúng ta cần phát triển NLTT, bên cạnh nhu cầu giảm phát thải khí nhà kính.

Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 40% chi phí phát điện, do đó, khi chi phí nhiên liệu thay đổi thì chi phí phát điện cũng thay đổi theo. Để giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, cách tính giá mua bán điện trong PPA bao hàm các yếu tố có thể điều chỉnh, cho phép biểu giá thả nổi phù hợp (tỷ lệ thuận) với chi phí nhiên liệu.

Chính phủ Thái Lan cũng thành lập “Quỹ dầu mỏ” nhằm thu thuế từ người sử dụng dầu mỏ, để cân bằng giá bán lẻ xăng dầu không quá thấp buộc người tiêu dùng phải sử dụng sản phẩm xăng dầu một cách hiệu quả.

Trường hợp chi phí nhiên liệu dao động quá nhiều, Chính phủ sẽ can thiệp bằng cách dùng tiền từ Quỹ dầu mỏ để giảm chi phí nhiên liệu, duy trì ở mức không gây tác động quá mạnh đến người tiêu dùng cuối. Tuy nhiên, sự can thiệp như một bước đệm đó cũng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định.

Mekong – ASEAN: Ông có nhắc đến vấn đề rủi ro về tỷ giá hối đoái, cụ thể là như thế nào?

Ông Somsak Chutanan: Khi đầu tư vào một dự án phát điện, có hai khoản chi phí liên quan trực tiếp đến tỷ giá hối đoái, đó là chi phí máy móc và chi phí nhiên liệu. Vì tất cả các máy móc, thiết bị chính phải nhập khẩu từ nước ngoài và thanh toán bằng ngoại tệ. Còn các chi phí khác như đền bù đất đai, nhân viên, thuế, chi phí xây dựng… có thể được chi trả bằng nội tệ.

Trường hợp tiền bán điện được thanh toán bằng nội tệ và không có liên quan đến tỷ giá hối đoái thì tất cả rủi ro này đều bị đổ lên đầu nhà đầu tư. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc - biểu giá mua bán điện phải được quy sang ngoại tệ và điều chỉnh theo tỷ giá hối đoái, mà các ngân hàng đều cân nhắc và yêu cầu trước khi cấp vốn cho dự án.

Mekong – ASEAN: Những năm gần đây, có thể nhận thấy trào lưu đầu tư vào lĩnh vực NLTT của các nhà đầu tư Thái Lan ở khu vực Đông Nam Á. Ông có thể lý giải về xu hướng này không?

Ông Somsak Chutanan: Vì Thái Lan là một quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng, để giảm rủi ro, chúng tôi đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, chính sách mua điện từ các nước láng giềng đã được khởi xướng. Theo định hướng của chính phủ, ban đầu nhà đầu tư Thái Lan tìm đến các quốc gia sát biên giới như Lào, Campuchia và Myanmar để có đường truyền tải dễ dàng kết nối với Thái Lan.

Sau này các nhà đầu tư Thái Lan đi xa hơn sang Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia khác nơi có cơ hội đầu tư tốt.

Trước khi quyết định đầu tư, các vấn đề chính thường được nghiên cứu như sự hỗ trợ từ chính phủ nước sở tại, chính sách pháp luật, biên lợi nhuận đầu tư… Chúng tôi thực hiện phép so sánh và quyết định sẽ đến quốc gia nào có điều kiện tốt hơn.

Phát triển năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm từ Thái Lan ảnh 3 Phát triển năng lượng tái tạo: Kinh nghiệm từ Thái Lan ảnh 4

Trang trại điện mặt trời TTCIZ-01 tại tỉnh Tây Ninh do Công ty Gulf Energy Vietnam nắm giữ 49% cổ phần và Dự án điện gió Mekong Wind do Gulf Energy Vietnam làm chủ đầu tư tại tỉnh Bến Tre

Mekong – ASEAN: Các nhà đầu tư Thái Lan đang quan tâm tới thị trường năng lượng tại Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ông Somsak Chutanan: Việt Nam là một trong những quốc gia rất hấp dẫn nhà đầu tư Thái Lan nhờ tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, chính sách của Chính phủ đối với nhà đầu tư tư nhân, thị trường nội địa lớn… Có thể thấy hầu hết các công ty chủ chốt trong lĩnh vực năng lượng của Thái Lan đều đã có mặt tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Thái Lan vào dự án NLTT (điện gió và mặt trời) ở Việt Nam đạt khoảng 5 tỷ USD.

Cũng như các nhà đầu tư trong nước hay các nước khác, biểu giá mua bán điện đối với các dự án chuyển tiếp được công bố mới đây có thể tạo ra một số lo ngại đối với các nhà đầu tư lĩnh vực NLTT, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Thái Lan. Với mức giá hiện tại, các nhà đầu tư đều phải xem xét lại bài toán kinh doanh vì chi phí tài chính của họ có thể cao hơn nhiều so với doanh thu.

Với giá FIT thấp hơn so với PPA ban đầu, ngân hàng có quyền chấm dứt hợp đồng tài trợ dự án do nhà đầu tư có thu nhập thấp hơn, đồng nghĩa khả năng trả nợ cũng thấp hơn.

Nghĩ một cách đơn giản, nhà đầu tư có thể kỳ vọng tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) từ 10-15% khi dự án được thiết kế. Nhưng hiện nay, giá FIT giảm 20% sẽ đốt cháy toàn bộ IRR. Trong khi về mặt lý thuyết, việc tính toán suất đầu tư phải diễn ra trước khi xây dựng và đầu tư dự án.

Xem xét về vấn đề này, tôi nghĩ cần có một giải pháp nào đó "thấu tình", nhà đầu tư sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng đất nước và người dân. Nhưng, trong bài toán tài chính, nhà đầu tư có thể phải tính toán giảm lợi nhuận trong cả vòng đời 20 năm của dự án. Tuy nhiên, “giảm lợi nhuận" thì được chứ "chịu lỗ" trường kỳ thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác cần có giải pháp để tháo gỡ được việc này.

Mekong – ASEAN: Trong xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào NLTT như hiện nay, theo ông, việc hình thành và phát triển lưới điện ASEAN có ý nghĩa như thế nào đối với các nước trong khu vực?

Ông Somsak Chutanan: Suất đầu tư vào một dự án NLTT rất lớn mà thời gian thu hồi vốn có chu kỳ rất dài, bắt đầu từ lúc nhận giấy phép đầu tư, yêu cầu tài trợ, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, xây dựng, vận hành và trả nợ.... có thể mất gần 10 năm. Vì vậy, điều quan trọng là cần lập kế hoạch cung cấp điện dài hạn.

Thông thường, Thái Lan sẽ duy trì an ninh năng lượng với mức dự trữ tối thiểu là 20%. Tuy nhiên, kế hoạch có thể thay đổi theo điều kiện kinh tế từng thời kỳ và theo dự báo phụ tải có thể cao hơn hoặc thấp hơn. Khi hệ thống trở nên lớn hơn thì số dư dự trữ có thể giảm xuống vì bây giờ chúng ta có nhiều nhà máy điện nên khả năng bị mất điện giảm đi.

Lưới điện ASEAN sẽ phục vụ cho mục đích này. Thái Lan không cần phải giữ tỷ lệ dự trữ cao vì chúng tôi có thể mua từ các nước láng giềng khi có nhu cầu.

Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao dịch điện ở ASEAN bằng cách cải thiện các đường dây truyền tải điện cao thế trên khắp đất nước để mở cửa giao dịch điện trong khu vực và bán điện dư thừa. Việc cải thiện đường dây truyền tải, một phần của quá trình số hóa, nhằm mục tiêu hỗ trợ kết nối lưới điện ở ASEAN.

Mặc dù vậy, Mạng lưới ASEAN có một vài vấn đề cần lưu ý. Đầu tiên là sự phát triển của hệ thống truyền tải ở các quốc gia không đồng bộ, dẫn đến một số nước có thể cần thời gian lâu hơn do chưa đủ điều kiện tài chính để hoàn thiện đường truyền tải.

Thứ hai, biểu giá mua bán điện ở các nước không giống nhau cho nên mục đích của lưới điện ASEAN là chuyển điện qua lại giữa các quốc gia trở thành chuyển một chiều từ nước có điện giá rẻ sang quốc gia có giá điện cao.

Và cuối cùng là chi phí vận hành đường truyền ở mỗi quốc gia cũng khác nhau. Nếu bán điện qua nước khác, nước sở tại có thể thu phí đường dây tải điện, chi phí này được thêm vào biểu giá và đẩy giá mua bán điện lên cao hơn.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Đọc tiếp