Ảnh minh họa Internet |
Nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính (KNK) toàn quốc, tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2 quy đổi (CO2e), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%.
Trong đó, ngành lúa gạo chiếm tới 48% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí thải mê tan, tương đương với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm.
Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…
Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề "Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta" do Báo Đầu tư tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho biết, tập đoàn này triển khai trồng trên 2 triệu hecta lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để có thể giảm phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp tiến hành cải tiến các sản phẩm sinh học, áp dụng kinh tế tuần hoàn và phát triển xanh nhằm mục tiêu tạo ra 10 triệu chứng chỉ carbon.
Tuy nhiên, phát triển bền vững là chặng đường dài không thể đi một mình, từ nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà quản lý,… và nhất là người tiêu dùng cần đồng hành cùng nhau.
"Phát triển bền vững là chặng đường dài không thể đi một mình".
“Là nhà thu mua cà phê lớn nhất tại Việt Nam, chúng tôi đã phối hợp với nhà quản lý, các trung tâm khuyến nông và người nông dân để thực hiện chương trình nông nghiệp, trong đó người nông dân là trọng tâm.
Chúng tôi đã kết nối với 21 ngàn hộ nông dân để họ có thể tái canh cây cà phê và đã hỗ trợ tái canh hơn 63 triệu cây cà phê tại Tây Nguyên, tiến hành thử nghiệm, đong đo kiểm đếm để canh tác với phát thải thấp…”, đại diện Nestlé Việt Nam, bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Đối ngoại cấp cao cho biết.
Bà Thương cho biết thêm, nguồn cung ứng chiếm hơn 70% lượng phát thải của tập đoàn trên toàn cầu. Vì vậy, đây là lý do tập đoàn tập trung vào công đoạn này.
Nestlé đã ứng dụng công nghệ số để tính toán được nguồn đầu vào - đầu ra, giúp người nông dân thấy được hiệu quả khi thay đổi tập quán canh tác.
Sự thay đổi tập quán canh tác cũ không chỉ nhằm kiểm soát nguồn phát thải mà còn mang lại hiệu quả lâu dài chính là nâng cao chất lượng của nguồn nguyên liệu, tiết kiệm vật tư đầu vào, canh tác hiệu quả, kiểm soát được nguồn vốn đầu tư... Và điều đó mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như doanh nghiệp.
Vấn đề phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp có một phần không nhỏ nguồn phát thải là do canh tác chưa chính xác. Đó là khẳng định của bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, Phó Tổng Giám đốc CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS).
“Canh tác chính xác đòi hỏi cách thức tiếp cận khác nhau với các nguồn tài nguyên. Và ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tính toán việc đó một cách chính xác. Ví dụ như số lượng phân bón sử dụng cho từng loại đất khác nhau.
“Nền tảng công nghệ tốn chi phí nhưng lợi ích mang lại về lâu dài".
Cùng với mô hình canh tác chính xác, lên men chính xác, TTC AgriS có thể sử dụng vừa đủ các yếu tố nguyên liệu, vật tư đầu vào trong quá trình sản xuất, loại bỏ tồn dư không cần thiết”, bà Duyên chia sẻ.
Cũng lựa chọn giải pháp chuyển đổi số, TTC AgriS phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp bao gồm hệ sinh thái ERP Oracle Cloud tích hợp nền tảng công nghệ nông nghiệp Agtech và thực phẩm Foodtech nhằm tối ưu hóa hiệu quả trong hoạt động sản xuất, quản trị điều hành và gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp của TTC AgriS được phát triển từ năm 2020 đã mang đến lợi ích chung cho các bên liên quan.
Ví dụ như với người nông dân, việc sử dụng ứng dụng công nghệ sẽ chỉ ra các thời điểm quan trọng trong quá trình trồng trọt, giúp họ có cơ hội tiếp cận các nghiên cứu nông học hữu ích, tận dụng được tất cả các nguồn phụ liệu, phế phẩm trong quá trình sản xuất để gia tăng giá trị, gia tăng nguồn thu…
Phát triển bền vững cần nguồn tài chính lớn để đầu tư lâu dài
Có thể khẳng định công nghệ mang lại rất nhiều tiện ích hỗ trợ cho quá trình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để thay đổi được tập quán canh tác cũng như thói quen của người nông dân hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững cần sự hợp tác và kiên trì rất lớn từ phía doanh nghiệp và các bên trung gian tham gia vào chuỗi.
Bên cạnh đó, một vấn đề rất quan trọng trong chuyển đổi số là nguồn tài chính. Theo Phó Tổng Giám đốc TTC AgriS chia sẻ: “Nền tảng công nghệ tốn chi phí nhưng lợi ích mang lại về lâu dài. Để thực hiện mục tiêu số hoá công nghệ, chi phí là rất lớn. Nếu có sự đồng hành của các bên giúp doanh nghiệp vững tin hơn trên con đường chuyển đổi số”.
“Vấn đề không phải tốn kinh phí của 1 năm, 2 năm mà đó là định hướng, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp".
Ông Lê Thành Liêm, Giám đốc điều hành Tài chính, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng khẳng định vấn đề đầu tiên cần quan tâm khi đầu tư cho phát triển bền vững chính là tài chính.
Tại thời điểm 20 năm trước, những hành động mà Vinamilk đã làm như xây dựng hệ thống xử lý nước thải, xây dựng hệ thống khử mùi chỉ mang tính chất tuân thủ pháp luật mà chưa từng nghĩ đó chính là ESG.
Những năm gần đây với sự chung tay và định hướng của Chính phủ, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và tất cả người dân cũng như các đối tác thì vấn đề ESG đã trở nên phổ biến hơn.
“Ban lãnh đạo Vinamilk xác định phát triển bền vững hay hướng đến Net Zero là con đường dài, phải có lộ trình cụ thể. Khi có một lộ trình cụ thể, chúng ta mới xây dựng được nguồn lực và phân bổ nguồn kinh phí hợp lý cho việc đầu tư. Chắc chắn những năm đầu tiên thay đổi thì sẽ tốn nhiều kinh phí hơn”.
Hiện nay, Vinamilk đã xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái tại trang trại và nhà máy sản xuất, chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Hệ thống xe tải và xe nâng cũng được thay thế dần sang xe điện, hoạt động này cũng tốn một khoản tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này vẫn trong tầm kiểm soát của Vinamilk.
“Vấn đề không phải tốn kinh phí của 1 năm, 2 năm mà đó là định hướng, trách nhiệm và lợi ích của doanh nghiệp. Nếu không đầu tư bây giờ thì có thể 5-7 năm sau khi nói đến Vinamilk sẽ là hình ảnh khác”.
Đồng quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Việt Anh cho rằng, các doanh nghiệp nên nhìn nhận đây không phải là khoản chi phí, mà là đầu tư cho tương lai. Khi đã rõ, nhận biết được tương lai và kiên trì thực hiện, thành quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí bỏ ra.