Danh thắng Gành Đá Đĩa tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguồn: Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. |
Theo đề án, khu vực Công viên địa chất Phú Yên (Phu Yen Geopark) sẽ là thành viên mới trong mạng lưới công viên địa chất Việt Nam.
Công viên sẽ nằm trên 7 huyện, thị xã, thành phố, gồm: TP Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An, một phần các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa. Tổng diện tích đất liền của công viên khoảng 1.927km2 và diện tích mặt nước vùng nội thủy khoảng 1.000km2 (tính từ bờ ra đến độ sâu khoảng 50m, bao gồm các đảo ven bờ).
Theo UBND tỉnh Phú Yên, Công viên địa chất Phú Yên sẽ được bảo tồn nguyên vẹn và khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tổng thể các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa (vật thể, phi vật thể), đa dạng sinh học và được định hướng để xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
UBND tỉnh Phú Yên giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thành lập Ban quản lý công viên địa chất Phú Yên để quản lý và điều phối các hoạt động liên quan đến Công viên địa chất Phú Yên. Đơn vị này sẽ xây dựng hồ sơ trình UNESCO để công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO ở tỉnh Phú Yên.
Tại Việt Nam, UNESCO đã vinh danh 3 công viên địa chất toàn cầu, đó là: Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng và Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông. Trong đó, Cao nguyên đá Đồng Văn đã trở thành công viên địa chất UNESCO đầu tiên của Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á vào ngày 3/10/2010. |