Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng hoa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VGP |
Ngày 3/3, tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến Đầu tư năm 2024, đúng vào năm Phú Yên kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập tỉnh (1989 - 2024).
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Phú Yên được biết đến là vùng đất "phú" trời "yên", giàu tiềm năng, là cầu nối gắn kết các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Sau 35 năm tái lập tỉnh, Phú Yên đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội nổi bật, quy mô nền kinh tế GRDP năm 2023 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2010, tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 9,16%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 65 triệu đồng, tăng 13,4%, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 24.000 tỷ đồng, tăng gần 26%, khách du lịch đến Phú Yên đạt 3,2 triệu lượt khách tăng 44% so với năm 2022.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Phú Yên. Đây cũng là những nền tảng vững chắc, thuận lợi để Phú Yên tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.
Cho ý kiến về quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định bản quy hoạch tỉnh Phú Yên là bản "tổng phổ" của các quy hoạch, đóng vai trò định hình không gian phát triển của tỉnh trong mối liên kết chặt chẽ hữu cơ với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển, tạo thêm xung lực để Phú Yên trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển xanh của vùng duyên hải Trung Bộ, điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước với các trụ cột: Kinh tế số, công nghiệp - năng lượng xanh, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vận tải biển và logistics.
Hạ tầng năng lượng xanh phải đi trước một bước
Về định hướng phát triển các ngành kinh tế tại tỉnh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong xu thế chuyển đổi xanh, ước tính 90% GDP toàn cầu nằm trong diện phải thực hiện các cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Phú Yên muốn thu hút đầu tư phải tập trung xây dựng hạ tầng xanh. Hạ tầng năng lượng xanh, sạch và hạ tầng số sẽ quyết định sức cạnh tranh của môi trường đầu tư bên cạnh các lợi thế về giao thông.
Với tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng mới hydro, Amoniac xanh...) kết hợp với mô hình thuỷ điện tích năng, Phú Yên cần có giải pháp đột phá thu hút đầu tư để đi trước một bước dẫn dắt về hạ tầng năng lượng xanh thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực luyện kim, lọc hóa dầu, vận tải biển.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Đi kèm với đó là tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics gắn với cảng hàng không Tuy Hòa, bến cảng Vũng Rô và bến cảng nước sâu Bãi Gốc, cảng cạn ICD Đông Hòa, kết nối với các đô thị lớn và khu công nghiệp trên địa bàn.
Về nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực cho thực hiện quy hoạch, Phú Yên cần thực hiện tốt Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và huy động của các nguồn lực của nền kinh tế.
Trong đó, chú trọng huy động nguồn lực từ chính quy hoạch, thông qua đầu tư phát triển hệ sinh thái kinh tế đô thị - công nghiệp - dịch vụ gắn với các công trình hạ tầng hướng tuyến, phát triển các dự án có tính chất động lực, lan tỏa.
Cần có chiến lược quảng bá "Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh"
Đồng tình với định hướng đưa du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng cho rằng đây là lợi thế lớn của tỉnh nhưng cần phải đổi mới cách làm. Tỉnh cần có chiến lược liên kết các ngành dịch vụ phụ trợ như dịch vụ vận tải, lưu trú, mua sắm, sức khỏe,…vốn đang là hạn chế của du lịch Phú Yên.
"Liên kết, hợp tác để thay cho cạnh tranh rất cần thiết cho du lịch," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng gợi ý Phú Yên cần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong du lịch nhất là phát triển các tiện ích đặt vé đi lại, cơ sở lưu trú, ẩm thực và các dịch vụ khác cùng với thanh toán điện tử, giới thiệu quảng bá, hình ảnh, nét đẹp thiên nhiên, văn hóa trên môi trường số giúp tiết kiệm thời gian.
"Đặc biệt cần có chiến lược quảng bá "Xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh" qua điện ảnh, văn học, nghệ thuật và các nền tảng truyền thông đa phương tiện," Phó Thủ tướng nêu..
Về phát triển kinh tế biển, Phó Thủ tướng gợi mở Phú Yên nên chuyển nuôi trồng thuỷ sản ở bãi ngang sang nuôi biển công nghệ cao kết hợp với các trung tâm điện gió ngoài khơi nhằm phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng yêu cầu Phú Yên phải khẩn trương triển khai quy hoạch, đồng thời công bố rộng rãi, cụ thể hoá các quy hoạch đến chi tiết về xây dựng đô thị, nông thôn, phân khu chức năng, để quy hoạch tỉnh Phú Yên có giá trị lâu dài, bền vững.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Phú Yên trao quyết định chủ trương đầu tư/chứng nhận đầu tư cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 10.500 tỷ đồng và 5 Biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 128.800 tỷ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên chúc mừng các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận giấy chứng nhận đầu tư, bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Các lĩnh vực được quan tâm gồm: Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Nồm, vùng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, thu mua, chế biến xuất khẩu gạo tỉnh Phú Yên, khu du lịch sinh thái Núi Thơm, nhà máy sản xuất dược phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo tiêu chuẩn GMP, khu chăn nuôi công nghệ cao, khu liên hợp Gang thép, kết cấu hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao, dự án Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên…
Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bản tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng.
Cơ cấu kinh tế đến năm 2030 công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 34%, dịch vụ chiếm 46%, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15%, thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm khoảng 5,0%.