Philippines hướng tới sớm thành lập phòng thương mại tại Việt Nam
đầu tư
việt nam - philippines
Trao đổi với Mekong ASEAN về hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Philippines tại thị trường Việt Nam, Đại sứ Philippines tại Việt Nam Meynardo Los Banos Montealegre đã có những chia sẻ về các kế hoạch của Đại sứ quán nhằm làm vững chắc hơn nữa quan hệ đầu tư song phương Việt Nam - Philippines.
Mekong ASEAN: Philippines hiện có 92 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 608 triệu USD. Đại sứ đánh giá thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp Philippines tại Việt Nam trong năm 2024?
Đại sứ Meynardo Montealegre: Các khoản đầu tư lớn nhất của các công ty Philippines vào Việt Nam là ở trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng. Hiệu quả hoạt động của các công ty Philippines gắn bó chặt chẽ với các điều kiện kinh tế chung của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 là rất ấn tượng và tôi nghĩ các doanh nghiệp Philippines cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng này khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thể tiếp xúc với các sản phẩm của Philippines.
Tôi rất vui mừng vì điều này trở nên ngày càng phổ biến trong những năm qua, nhưng tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể làm được nhiều hơn nữa trong tương lai. Việt Nam, giống như Philippines, cũng là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất và năng động nhất ở Đông Nam Á và có những lĩnh vực dự kiến có thể ghi nhận cơ hội đầu tư hơn. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch và khách sạn, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính và năng lượng xanh là những lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp Philippines.
Mekong ASEAN: Theo Ngài Đại sứ, các doanh nghiệp Philippines gặp thuận lợi và khó khăn gì khi đầu tư vào Việt Nam? Việt Nam cần làm gì để cải thiện môi trường đầu tư để hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là từ Philippines? Theo đánh giá của Ngài, 5 doanh nghiệp hoặc dự án Philippines nổi bật nhất tại thị trường Việt Nam hiện nay là gì?
Đại sứ Meynardo Montealegre: Một trong những lợi thế mà các nhà đầu tư Philippines đặc biệt quan tâm tại thị trường Việt Nam chính là luật lệ và quy định đầu tư có thể dự đoán được, do đó thuận lợi cho các kế hoạch và dự án đầu tư dài hạn. Một số ngành quan trọng còn cung cấp các ưu đãi khác nhau cho các nhà đầu tư và một số doanh nghiệp có thể được hưởng lợi ích từ đó.
Một lợi thế lớn khác tới từ việc Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN. Điều này cho phép các chính sách thương mại của Việt Nam trở nên thuận lợi và thúc đẩy hợp tác dễ dàng hơn theo quy định của AFTA hay Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN. Một điều cần lưu ý nữa là phần lớn các khoản đầu tư của công ty Philippines vào Việt Nam đều nằm trong bối cảnh mở rộng ra toàn khu vực sang các nước ASEAN khác. Do đó, các công ty này phân bổ nhiều vốn hơn vào các thị trường có sự đảm bảo cao nhất về lợi nhuận công bằng.
Các doanh nghiệp Philippines nổi bật là những doanh nghiệp có sản phẩm đã được yêu thích và chấp nhận như một phần của cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam. Ví dụ về các công ty này là Jollibee, URC Vietnam, Oishi/Liwayway Marketing, San Miguel và Green Cross.
Các công ty này đã hoạt động tại Việt Nam trong hơn 10 năm trong khi một số công ty đã hoạt động hơn 20 năm. Các sản phẩm của họ đã trở thành mặt hàng chủ lực trong các hộ gia đình Việt Nam, thúc đẩy sự quen thuộc giữa người tiêu dùng Philippines và Việt Nam.
Mekong ASEAN: Trong 8 tháng đầu năm 2024, Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam có những hoạt động nào để thúc đẩy mối quan hệ đầu tư Philippines - Việt Nam? Đại sứ quán dự kiến triển khai những kế hoạch nào khác trong khoảng thời gian còn lại của năm 2024 và trong tương lai gần để củng cố hơn nữa mối quan hệ này, thưa Đại sứ?
Đại sứ Meynardo Montealegre: Để thúc đẩy mối quan hệ đầu tư song phương, chúng tôi đã kết hợp chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Philippines tới Việt Nam với một chương trình kinh doanh, trong đó các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Philippines có cơ hội giao lưu với các đối tác Việt Nam.
Những tiếp xúc này đã dẫn đến một số chuyến thăm riêng tới Manila của các công ty Việt Nam, được tổ chức bởi các cơ quan xúc tiến đầu tư của chúng tôi như Hội đồng Đầu tư Philippines. Mặc dù tại thời điểm này, tôi không thể tiết lộ tên của các công ty trên nhưng tôi có thể chia sẻ rằng từ đầu năm nay, VinGroup đã bắt đầu kinh doanh xe điện tại Philippines.
Trong thời gian còn lại của năm 2024, chúng tôi tập trung vào việc tăng cường số lượng thành viên trong cộng đồng doanh nghiệp Philippines nhắm hướng tới việc thành lập phòng phương mại của riêng mình có thể đại diện cho lợi ích kinh doanh của các doanh nghiệp Philippines với chính phủ Việt Nam và với các nhà đầu tư và phòng thương mại nước ngoài khác.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ thương mại trong những năm tới, đặc biệt là khi năm 2025 sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Chiến lược Philippines - Việt Nam trong khi năm 2026 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đại sứ quán Philippines sẽ tiếp tục sử dụng các cơ chế song phương của chúng tôi để thúc đẩy đối thoại và hợp tác kinh tế hơn nữa nhằm đảm bảo lợi ích bền vững cho cả hai quốc gia và cho khu vực.
Mekong ASEAN: Số lượng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Philippines còn tương đối ít và chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước. Ông có thể chia sẻ thêm về các cơ chế mà Chính phủ Philippines có để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư từ Việt Nam?
Đại sứ Meynardo Montealegre: Philippines hiện đang tập trung vào việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp thông minh và bền vững – các ngành công nghiệp liên quan tới các lĩnh vực như công nghệ, đổi mới cũng như năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn. Các chính sách hỗ trợ của chúng tôi đang được phát triển thiên về các ngành này.
Về mặt cơ chế thu hút các nhà đầu tư quốc tế, nỗ lực thực sự cần đặt ở việc trang bị cho nguồn nhân lực của chúng ta khả năng đáp ứng nhu cầu thay đổi của các công ty đang cố gắng bắt kịp với sự phát triển của công nghệ. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các ngành dịch vụ mà Philippines có vị thế dẫn đầu toàn cầu.
Đối với Đại sứ quán Philippines tại Việt Nam, chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường các hoạt động quảng bá văn hóa Philippines tới đối tượng khán giả Việt Nam để khơi dậy sự quan tâm của họ. Chúng tôi đặt mục tiêu thực hiện điều này thông qua các hoạt động giao lưu giữa người với người và thông qua các dự án hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, hợp tác văn hóa thông qua các thỏa thuận giữa thành phố kết nghĩa hoặc tỉnh kết nghĩa, giao lưu giữa các trường đại học với nhau và xúc tiến du lịch.
Mekong ASEAN: Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi, ASEAN đang trở thành một trong những khu vực thu hút FDI mạnh nhất. Việt Nam và Philippines có thể làm gì để tận dụng xu hướng này và tối đa hóa lợi ích?
Đại sứ Meynardo Montealegre: Philippines và Việt Nam nên lưu ý đến các xu hướng sẽ định hình nền kinh tế trong những thập kỷ tới và nên chuẩn bị cho những thay đổi. Việc các thị trường mới nổi đang trở nên đô thị hóa hơn và nhân khẩu học dân số cũng thay đổi theo từng năm có thể cung cấp cái nhìn thoáng qua về lĩnh vực nào có thể mong đợi nhiều khoản đầu tư hơn. Khi công nghệ, đặc biệt là AI, cũng phát triển nhanh chóng, hai quốc gia nên chuẩn bị để thích ứng với những tiến bộ như vậy.
Việt Nam và Philippines cũng cần chú trọng bắt kịp với chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi. Công thức thành công để thu hút các chuỗi cung ứng đang thay đổi hôm nay có thể sẽ không còn hiệu quả vào ngày mai. Do đó, cách để bắt kịp là tham gia vào chính các quy trình đổi mới cũng như tuyến đầu của sự phát triển công nghệ. Theo cách này, Việt Nam, Philippines và toàn bộ khu vực ASEAN sẽ có tiếng nói về nơi thiết lập chuỗi cung ứng.