Ảnh minh họa: PVD. |
Về cơ cấu doanh thu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling trong kỳ, dịch vụ khoan mang về 1.538 tỷ đồng; doanh thu cung cấp dịch vụ kỹ thuật giếng khoan và dịch vụ các loại khác đạt 556,3 tỷ đồng và doanh thu bán hàng hoá đạt gần 160 tỷ đồng. Một yếu tố đặc biệt của quý này là đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần vào sự tăng trưởng doanh thu của PVD.
Trong kỳ, giá vốn tăng mạnh gần 70%, lên 1.784,5 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 31% YoY lên mức 469,4 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 25,3% YoY xuống 20,8%.
Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tài chính trong kỳ đạt 39,6 tỷ đồng, gấp 9 lần so với con số 4,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước do lãi chênh lệch tỷ giá tăng, trong khi năm ngoái ghi nhận lỗ tỷ giá. Chi phí tài chính tăng 69%, lên 133,5 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn 8%, lên hơn 150 tỷ đồng.
Trong quý II, khoản thu nhập khác của PVD giảm hơn 83%, về còn 11,6 tỷ đồng do không còn khoản tiền phạt thu được hơn 70 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, và doanh nghiệp có một khoản lỗ khác hơn 11,5 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi hơn 54 tỷ đồng), nhưng không thuyết minh cụ thể.
Kết quả, sau khi khấu trừ các chi phí, PVD ghi nhận lãi quý 2/2024 ở mức gần 130 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, PVD đạt 4.036,4 tỷ đồng doanh thu thuần và 280,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 53,1% và 33,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm nay, PVD đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 6.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2023; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 30%, về mức 380 tỷ đồng. Với kết quả đạt được như trên, công ty đã đạt 65,1% kế hoạch doanh thu và gần 74% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản PVD ghi nhận 23.344,4 tỷ đồng, tăng 7,9% so với con số hồi đầu năm. Cơ cấu tài sản chủ yếu là tài sản cố định với tổng giá trị 13.182,7 tỷ đồng với phần lớn là máy móc thiết bị.
Ở bên kia bảng cân đối, doanh nghiệp còn 7.602,6 tỷ đồng nợ phải trả, tăng gần 13% so với hồi đầu năm. Riêng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn của PVD còn lần lượt 550 tỷ đồng và 2.746 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, theo báo cáo chiến lược đầu tư nửa cuối năm 2024 của Chứng khoán VNDirect công bố ngày 17/7 vừa qua, đơn vị này lựa chọn PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí là cổ phiếu ưa thích trong nhóm dầu khí.
Công ty này phân tích, thị trường giàn khoan tự nâng, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á vẫn rất tích cực đối với các nhà thầu khoan như PVD do sự mất cân bằng cung/cầu kéo dài.
Tiềm năng của PVD còn được dự định sẽ đến từ thị trường Việt Nam từ cuối năm 2025. Theo đó, vốn đầu tư của Petrovietnam tăng vọt (tăng 54% so với cùng kỳ) báo hiệu hoạt động E&P trong nước sẽ ngày càng sôi động từ năm 2024 trở đi.
Việc các dự án trọng điểm đang được lên kế hoạch để mở thầu khoan trong thời gian tới và phần lớn dự kiến bắt đầu giai đoạn khoan từ nửa cuối năm 2025, cho thấy khối lượng công việc tiềm năng lớn cho PVD tại thị trường trong nước, ngay khi một số hợp đồng hiện tại kết thúc vào cuối năm 2025. Do đó, Việt Nam sẽ là thị trường chính của PVD từ năm 2026.