Phần lớn trong khoản tiền khoảng 200 tỷ USD mà Qatar sử dụng cho World Cup 2022 cùng các công trình liên quan tới từ doanh thu xuất khẩu khí đốt của công ty dầu khí nhà nước QatarEnergy. Ảnh: Qatargas |
Cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra bởi các căng thằng địa chính trị và đặc biệt là chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến nhu cầu LNG trên thế giới tăng vọt. Với vai trò là quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, Qatar và đặc biệt là tập đoàn khí đốt khổng lồ QatarEnergy đã trở thành một trong những nhà cung cấp có tầm quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Theo hãng truyền thông nhà nước, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Qatar đã tăng 66% trong nửa đầu năm lên 32 tỷ USD. Ngày 22/11 vừa qua, tập đoàn QatarEnergy cũng đã ký kết một thỏa thuận cung cấp khí đốt trong 27 năm cho tập đoàn Sinopec của Trung Quốc với giá trị lên tới 60 tỷ USD.
Cũng nhờ vào nguồn doanh thu khổng lồ từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên này, Qatar mới có thể tổ chức một mùa World Cup được đánh giá là tốn kém nhất trong lịch sử với ít nhất 200 tỷ USD được đổ vào các cơ sở hạ tầng và công trình thi đấu.
Tuy nhiên để đạt được thành công như ngày hôm nay, Qatar và đặc biệt là QatarEnergy cũng từng trải qua thời kỳ khó khăn. Được thành lập vào năm 1974 với tên gọi Qatar Oil, tập đoàn này là một sự đánh cược của lãnh đạo Qatar vào việc thu lợi nhuận từ xuất khẩu LNG.
Tại thời điểm đó, các chính phủ của các quốc gia vùng Vịnh thường chú trọng vào dầu mỏ hơn là khí đốt. Do đó dù sở hữu mỏ khí đốt có trữ lượng lớn nhất thế giới, sự đầu tư của chính phủ Qatar vẫn được coi như một canh bạc nhiều rủi ro. Vào năm 1992, tập đoàn năng lượng khổng lồ BP của Anh đã rút khỏi dự án khí đốt của Qatar với lo ngại không mang lại đủ lợi nhuận, khiến tình hình càng thêm u ám.
Tuy nhiên chính phủ Qatar vẫn kiên định với lựa chọn này và cho khánh thành cơ sở xuất khẩu LNG đầu tiên của mình 5 năm sau đó với sự hợp tác cùng các tập đoàn năng lượng hàng đầu khác như ExxonMobil, TotalEnergies, Mitsui và Marubeni. Tới năm 2006, Qatar chính thức trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Indonesia.
Chưa dừng lại ở đó, Qatar tiếp tục thực hiện một vụ các cược lớn khác là công bố các kế hoạch lớn nhằm mở rộng ngành công nghiệp khai thác khí đốt vào năm 2017. Việc này xảy ra bất chấp việc các nhà lãnh đạo thế giới vào thời điểm đó mới chỉ bàn luận sơ lược về viễn cảnh loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Động thái này sau đó đã kích hoạt các cuộc chiến cạnh tranh gay gắt giữa các công ty dầu mỏ quốc tế muốn trở thành đối tác của Qatar và QatarEnergy trong quá trình mở rộng. Trong số các tập đoàn thành công, Shell và Total đã mời QatarEnergy tham gia các dự án của mình ở những nơi khác trên thế giới, qua đó giúp công ty mở rộng ra quốc tế.
QatarEnergy nhận định khí đốt sẽ đóng vai trò trung tâm trong công cuộc chuyển đổi năng lượng của thế giới. Ảnh: QatarEnergy |
Nhận định về điều này với Financial Times, nhà phân tích Leo Kabouche tại công ty tư vấn Energy Aspects cho biết QatarEnergy đã hoạt động “cực kỳ, cực kỳ hiệu quả”. Ông Saad al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng của Qatar và đồng thời là giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí quốc gia QatarEnergy cho biết QatarEnergy trong thời gian qua đã trở thành một đối tác đáng tin với quốc tế.
Khi nhận định về tương lai phát thải ròng bằng 0 của thế giới, ông Kaabi lập luận rằng khí đốt tự nhiên thải ra lượng carbon đáng kể khi bị đốt cháy nhưng ít hơn dầu mỏ và than đá. Vì vậy, nó sẽ là một trung tâm của quá trình chuyển đổi năng lượng trên thế giới. Ngoài khí đốt, QatarEnergy cũng đang đa dạng hóa đầu tư vào việc sản xuất hóa dầu và năng lượng mặt trời ở Qatar.
Trong thập kỷ qua, QatarEnergy đã xây dựng một danh mục đầu tư rộng lớn bao gồm cổ phần trong các dự án ở nhiều quốc gia trải dài trên khắp thế giới gồm Brazil, Canada, Vịnh Mexico của Mỹ, Guyana, Suriname, Namibia, Ai Cập, Angola và Nam Phi.
Trước mắt, công ty đặt ra mục tiêu tăng sản lượng bên ngoài Qatar từ 45.000 thùng/ngày lên 500.000 thùng/ngày vào năm 2030. Trong nước, Qatar đặt mục tiêu sản xuất hơn 5 triệu thùng/ngày, bao gồm một ít dầu và một lượng lớn LNG.
Với việc mở rộng này, các chuyên gia nhận định QatarEnergy không giống một công ty dầu khí nhà nước, tương tự như công ty Saudi Aramco và Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi mà ngược lại giống với một tập đoàn đa quốc gia như Shell và TotalEnergies hơn.