Phối cảnh dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh |
Tại cuộc họp, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là dự án đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Vì vậy, các sở và cơ quan hữu quan cần phối hợp làm việc để hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho dự án trước ngày 20/2.
UBND tỉnh Quảng Ninh họp cùng các sở và các bên liên quan kiểm điểm tiến độ dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. |
Tỉnh đã yêu cầu tổ hợp nhà đầu tư gồm Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty cổ phần Cơ khí và lắp máy Việt Nam (COLAVI), cùng với 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Tokyo Gas – Marubeni, phải chính thức thành lập công ty vào tháng 3 và sớm hoàn thành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
UBND tỉnh Quảng Ninh được giao hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư trong tháng 6.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 10, dự kiến đưa tổ máy số 1 vào phát điện trong năm 2026 và hoàn thành toàn bộ dự án vào quý III/2027.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đến dự buổi lễ Khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh. |
Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG có tổng mức đầu tư 47.480 tỷ đồng, tương đương hơn 2 tỷ USD.
Dự án bao gồm 1 nhà máy điện công suất thiết kế 1.500MW, 2 kho bồn chứa khí công suất 100.000 m3/bồn cùng hệ thống tái hóa khí và cảng LNG công suất 2,4 triệu tấn/năm cho tàu trọng tải 71.500 DWT. Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích gần 60ha, trong đó có 13,38ha ngoài khơi thành phố Cẩm Phả.
Nhà máy sẽ kết nối giữa bến cập tàu và kho chứa LNG là tuyến ống dẫn LNG lỏng dài khoảng 3-3,5km. Từ nhà máy đấu nối với hệ thống lưới điện quốc gia (trạm 500 kV Quảng Ninh đặt tại xã Thống Nhất, thành phố Hạ Long) bằng tuyến đường dây 500 kV xây dựng mới dài khoảng 30km.
Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được thiết kế sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp có hiệu suất cao trên 62%, được chế tạo bởi các nhà sản xuất tua bin khí hàng đầu trên thế giới như GE(Mỹ), Siemens (Đức), Mitsubishi (Nhật Bản)…
Nguồn nhiên liệu chính của nhà máy là khí LNG nhập khẩu từ các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như Australia, Qatar, Algeria, Nga, Mỹ... với sản lượng dự kiến 1,1 triệu tấn/năm. Đây là loại nhiên liệu sạch, góp phần đảm bảo giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, hướng đến 2030. Khi hoàn thành, dự án sẽ đóng góp vào lưới điện quốc gia 9 tỷ kWh điện/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Ngày 24/10/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ công bố quyết định chấp thuận nhà đầu tư và thực hiện khởi động dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Trước đó, vào cuối năm 2020, PV Power, COLAVI, Tokyo Gas và Marubeni đã cùng ký biên bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án điện khí, trong đó có dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh với mục tiêu “LNG Quảng Ninh – hợp tác – tiên phong”.
Tại tỉnh Quảng Ninh hiện có 7 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất 5.640MW. Trong xu hướng chuyển đổi sang sử dụng “năng lượng sạch”, đây là dự án nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên của tỉnh, góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu sang xanh”.
Mới đây, ngày 15/1, một “siêu dự án” LNG tương tự tại Quảng Trị cũng đã được khởi công hợp phần kỹ thuật. Đó là Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng do T&T Group và Công ty CP năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới gần 54.000 tỉ đồng (tương đương 2,3 tỉ USD). Đây là dự án điện khí lớn nhất tỉnh Quảng Trị với công suất giai đoạn 1 là 1.500MW sử dụng nhiên liệu LNG sạch.