Quy hoạch Bắc Ninh thành trung tâm công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á

QUY HOẠCH Bắc Ninh
17:04 - 24/03/2023
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, ngày 24/3. Ảnh: Đức Trung - MPI.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Bắc Ninh, ngày 24/3. Ảnh: Đức Trung - MPI.
0:00 / 0:00
0:00
Bắc Ninh định hướng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021–2030 tập trung chuyển dịch sang tăng trưởng chất lượng cao, trở thành đô thị loại I trực thuộc trung ương, là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái.

Khai thông điểm nghẽn qua quy hoạch tỉnh

Tại Hội nghị thẩm định dự thảo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đánh giá, đây là tỉnh nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, Bắc Ninh cũng còn những “điểm nghẽn” gây thách thức như: Quỹ đất sử dụng nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, hệ thống các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề tạo ra nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.

Do đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, những điểm hạn chế cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ để khắc phục, giải quyết trong quy hoạch tỉnh.

Thông tin chi tiết về các vấn đề thuận lợi, khó khăn của tỉnh, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, với vị trí cửa ngõ phía Bắc và hội tụ các tuyến giao thông chính lan tỏa từ Thủ đô liên kết khu vực Bắc – Đông Bắc, Bắc Ninh là một trong các cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô.

Mô phỏng bản đồ Bắc Ninh theo quy hoạch 2021 - 2030, định hướng đến 2050.

Mô phỏng bản đồ Bắc Ninh theo quy hoạch 2021 - 2030, định hướng đến 2050.

Đây là động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng có sức hút về kinh tế, xã hội, giá trị lịch sử văn hoá. Đồng thời là nơi trung chuyển giao thương, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ với các địa phương trong cả nước cũng như quốc tế.

Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) của tỉnh tính đến năm 2020 đạt 209.227 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2011, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 8/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 147,4 triệu đồng/người, tương đương 6.322 USD/người (gấp 3,4 lần so với năm 2010), gấp 1,8 lần mức trung bình chung của cả nước.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ông Tuấn cũng cho biết, Bắc Ninh đang phải đối mặt với một số những điểm nghẽn, thách thức về phát triển kinh tế bền vững, khi động lực chính phát triển kinh tế từ lĩnh vực công nghiệp dựa nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực kinh tế tư nhân địa phương quy mô còn nhỏ, sức đề kháng kém.

Hệ thống các sông trên địa bàn tạo ra sự chia cắt không gian nhưng chưa được đầu tư nhiều cầu và hạ tầng kết nối. Tình trạng ô nhiễm môi trường còn diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng khó lường. Văn hóa tuy được gìn giữ, bảo tồn nhưng chưa trở thành động lực, nguồn lực cho phát triển

Quy hoạch tỉnh quy định 7 nhóm ngành ưu tiên

Trước những thuận lợi và thách thức của tỉnh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh định hướng giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tập trung chuyển dịch sang tăng trưởng chất lượng cao, theo chiều sâu, đảm bảo tính bền vững, thay vì lựa chọn các phương án tăng trưởng nóng.

Quan điểm phát triển của tỉnh được thể hiện rõ nét trong thuyết minh quy hoạch, trong đó, nhấn mạnh, tỉnh phát triển bền vững, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Là một trong những nền kinh tế đứng đầu cả nước, sớm trở thành Đô thị loại I trực thuộc Trung ương và là hình mẫu về thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, sinh thái, giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa và có chất lượng cuộc sống cao.

Ảnh: Đức Trung - MPI.

Ảnh: Đức Trung - MPI.

"Hướng đến Bắc Ninh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm logistics của vùng. Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh phát triển đồng bộ, hiện đại, kết nối nội tỉnh và liên tỉnh thông suốt”.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn

Bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc được phát huy và trở thành động lực phát triển. Ưu tiên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu.

Theo đó, tỉnh Bắc Ninh xác định 7 nhóm ngành ưu tiên và 5 khâu đột phá phát triển trong giai đoạn quy hoạch 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Cụ thể, 7 nhóm ngành được ưu tiên thu hút đầu tư và tập trung nguồn lực phát triển gồm: Sản xuất thiết bị điện tử, sản xuất công nghệ cao, du lịch, logistics, thương mại, dịch vụ công nghệ thông tin và sản xuất dược phẩm.

“Đây là những ngành, lĩnh vực mà thông qua phân tích đánh giá, chúng tôi nhận thấy phù hợp với lợi thế phát triển sẵn có và tiềm năng của Bắc Ninh, cũng như xu hướng phát triển trong tương lai”, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thông qua quy hoạch tỉnh, Bắc Ninh xác định 7 khâu đột phá phát triển. Thứ nhất, tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn tỉnh theo quy hoạch, gia tăng hiệu quả tụ hội đô thị, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, liên kết vùng.

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình phát triển và hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN, khu logistics, khu du lịch, đô thị và hạ tầng số phát triển đồng bộ. Thứ tư, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa và con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, có khát vọng vươn lên.

Thứ năm, nâng cao chất lượng quản trị, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, say mê công việc. Thứ sáu, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh. Thứ bảy, đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo Chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp