Quy hoạch ĐBSCL: ‘Lần đầu tiên gắn quy hoạch với nguồn lực thực tế’

Quy hoạch ĐBSCL: ‘Lần đầu tiên gắn quy hoạch với nguồn lực thực tế’

ĐBSCL QUY HOẠCH
14:21 - 20/06/2022
Trả lời phỏng vấn Mekong ASEAN về những điểm chiến lược của quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long sắp được công bố, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh điểm rất mới là lần đầu tiên có một bản quy hoạch gắn luôn với các nguồn lực thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất của Đông Nam Á và thế giới, có vị trí quan trọng về cả an ninh lương thực và an ninh quốc gia. Để phát triển vùng tương xứng với tiềm năng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt và sẽ công bố chính thức ngày 21/6.

Trước ngày công bố quy hoạch, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những chia sẻ về bản quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới, giá trị mới, cơ hội mới” cho tương lai phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong bối cảnh thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mekong ASEAN: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được phê duyệt đã hoạch định các phương hướng phát triển tổng thể cho vùng. Xin hỏi cảm nhận của Bộ trưởng về những điểm tâm huyết nhất của bản quy hoạch làm “bản lề” mở ra diện mạo hoàn toàn mới cho vùng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Thứ nhất là tầm nhìn đã được xác định rõ, tức là mục tiêu của Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 đã được Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị xác định phải trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Mục tiêu này là một định hướng rất rõ để tập trung triển khai thực hiện. Đây là điểm quan trọng nhất để xác định được con đường đi với một tầm nhìn rõ ràng và cụ thể. Việc cần làm bây giờ chỉ còn là triển khai quy hoạch.

Thứ hai là chúng ta đã kịp thời phê duyệt được bản Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long hết sức quan trọng này để có thể nhanh chóng hiện thực hóa được Nghị quyết 13 của Đảng.

Thứ ba là Chính phủ đã có Nghị quyết 120 thay đổi toàn bộ tư duy, cách tiếp cận và đổi mới những quan điểm đột phá cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu không có ba điểm dẫn dắt trên thì không thể mở ra được diện mạo hoàn toàn mới cho vùng một cách nhanh chóng và bền vững. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 120 của Chính phủ chính là nền tảng quan trọng nhất. Để hiện thực hóa điều này chính là Quy hoạch vùng, là Hội đồng vùng với cơ chế điều phối và nguồn lực bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ bản quy hoạch có thể xác định được ngay các vấn đề cần phân tích để ưu tiên những dự án động lực, những dự án lan tỏa mang tính cấp bách cần kíp để bố trí nguồn lực thực hiện ngay.

Cụ thể, gần đây, Quốc hội vừa mới thông qua một loạt các tuyến đường cao tốc, trong đó sẽ nối toàn bộ cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ và Cà Mau; thực hiện các đường cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, An Hữu – Cao Lãnh… để nâng cao sức cạnh tranh về hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt là tuyến đường ven biển của vùng sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế biển mạnh mẽ cho Đồng bằng sông Cửu Long, là cơ hội để sắp xếp lại dân cư của vùng ven biển phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Với một quỹ đất mới phát triển theo quy hoạch sẽ tạo thành hàng lang kinh tế được phân định rõ ràng giữa phát triển nông nghiệp – công nghiệp – du lịch – đô thị… Điều này sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế cho từng tỉnh và cho cả vùng.

Bản đồ phương hướng phát triển mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030.

Bản đồ phương hướng phát triển mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030.

Mekong ASEAN:Đồng bằng sông Cửu Long được xác định có vị trí quan trọng về an ninh lương thực và an ninh quốc gia, nhưng giải ngân vốn đầu tư công của vùng thời gian qua đang thấp hơn bình quân cả nước. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân ở đây là gì và cần huy động nguồn lực như thế nào để vùng có thể phát huy xứng với tiềm năng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tất cả các nguyên nhân khách quan, chủ quan về chậm giải ngân vốn đầu tư công của các vùng, các địa phương đều có những điểm giống nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân riêng của Đồng bằng sông Cửu Long có thể thấy là nền đất của vùng thấp, nguồn nguyên vật liệu cho xây dựng khan hiếm, phải đưa từ nơi khác về khiến chi phí xây dựng cao hơn và mất nhiều thời gian hơn.

Điều này gây nên khó khăn chung cho các dự án trong vùng, mất thêm thời gian điều chỉnh hơn so với khi thực hiện ở các vùng khác. Đây là những nguyên nhân đặc trưng vùng mà chúng ta cũng cần có sự chia sẻ với Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Nhà nước đã ưu tiên hơn cho vùng về nguồn lực và sắp tới sẽ tiếp tục việc này. Ngoài ra, cũng cần xác định huy động nguồn lực xã hội là chính. Các địa phương cần khiến cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng, cơ hội của tỉnh mình để thu hút đầu tư.

Phải chia sẻ thật sự một điều là thu hút đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long rất khó bởi vùng ít có điều kiện nổi trội về hạ tầng, trong khi nguồn nhân lực hạn chế, các tài nguyên khoáng sản cũng không có thế mạnh nên các nhà đầu tư về đây gặp nhiều khó khăn. Vậy làm sao để Đồng bằng sông Cửu Long có thể phát triển được?

Trước hết, Nhà nước phải đầu tư hỗ trợ phát triển hạ tầng về giao thông, an sinh xã hội, y tế để người dân có đời sống tốt hơn. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết từ đất đai, mặt bằng, thủ tục hành chính đến nguồn nhân lực… để thu hút các nhà đầu tư sau khi đã có bản quy hoạch, mà sâu xa hơn là Nghị quyết 13, Nghị quyết 120.

Vốn của Nhà nước chỉ là “vốn mồi” làm hạ tầng, còn vốn đầu tư phát triển tạo việc làm, tạo thu ngân sách phải là vốn kinh doanh. Nhưng muốn thu hút được kinh doanh thì phải có hạ tầng tốt, quy hoạch tốt. Nhà nước đã lo xong phần này và phần còn lại là của các địa phương.

Địa phương cần xác định xem làm thế nào để tạo môi trường hấp dẫn, điều kiện thuận lợi các nhà đầu tư về đất đai, nhân lực, giải phóng mặt bằng… Giải quyết được việc này mới thu hút được đầu tư và từ đó giải quyết được bài toán căn cơ về việc làm, thu ngân sách, thu nhập người dân của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu như không có doanh nghiệp, không có sự tham gia của các nhà đầu tư, vùng sẽ không thể tăng thu ngân sách, không tạo được việc làm và tăng thu nhập, dẫn tới đời sống người sẽ vẫn khó khăn và kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long vẫn không thể phát triển được.

Mekong ASEAN: Là cơ quan tham mưu chiến lược, quy hoạch những chính sách phát triển lớn, theo đánh giá của Bộ trưởng, quy hoạch vùng cần chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nào để Đồng bằng sông Cửu Long đạt được mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động, hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhìn một cách tổng quát thì nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long là thế mạnh, trụ cột, chiếm trọng tâm chính của ngành nông nghiệp cả nước. Nhưng nông nghiệp của vùng đang đứng trước nhiều thách thức như ngập mặn, nguy cơ tổn hại tài nguyên nước, phân tán nhỏ lẻ, chưa tạo ra được sản phẩm có thương hiệu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chưa làm chủ được đầu vào sản xuất nên vẫn phải nhập phân bón, thuốc trừ sâu.

Trong nông nghiệp xác định có 4 khâu: Giống, phân bón, thức ăn; Nuôi trồng; Chế biến và Tiêu thụ. Người nông dân đang tập trung vào khâu nuôi trồng cũng là khâu có nhiều rủi ro cao nhưng lợi nhuận thấp, dẫn đến sự bấp bênh nên khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh thì người dân mất hết. Đây chính là nỗi khổ của người nông dân.

Điệp khúc được mùa mất giá diễn ra bao lâu nay, tiêu thụ khó khăn, xuất khẩu đa phần toàn xuất thô, chưa tập trung chế biến khiến giá trị gia tăng thu về cho người nông dân là rất thấp.

Đề bài đặt ra là nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long phải là một nền nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, tức là thích ứng với việc nước ngọt giảm, hạn mặn tăng. Trước bài toán đó, quy hoạch vùng lần này chuyển đổi thành 3 phân vùng theo nguồn nước và theo điều kiện thổ nhưỡng đất đai.

Trong đó, vùng ngọt An Giang – Đồng Tháp là nơi trồng lúa, trái cây; vùng lợ kết hợp vụ lúa – vụ tôm; vùng mặn giáp biển phía Đông tập trung nuôi trồng hải sản. Việc thích ứng sản xuất sẽ giúp nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng bền vững và căn cơ hơn.

Người dân sản xuất cũng sẽ bớt khó khăn và có thu nhập nâng cao đời sống hơn, thay vì bấp bênh về thời tiết dịch bệnh hay đầu vào sản xuất như trước. Khi thay đổi tư duy và cách tiếp cận với phân vùng không gian mới, những quyết sách quan trọng sẽ giúp cơ cấu lại ngành nông nghiệp hết sức đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) phát triển du lịch miền Tây sông nước. Ảnh: Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ
  • Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) phát triển du lịch miền Tây sông nước.
  • Ảnh: Trung tâm Phát triển Du lịch TP Cần Thơ
  • Mekong ASEAN: Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long đã xác định lấy con người làm trung tâm, theo Bộ trưởng cần có những cơ chế gì thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực của vùng, nhất là khi lao động chất lượng cao đang được cho là lực cản kinh tế vùng?

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Điểm trũng về giáo dục là một vấn đề hết sức căn cơ đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu không có một quyết sách, một chiến lược đối với giáo dục của vùng, nhất là với tầng lớp trẻ em hiện tại sẽ là tầng lớp lực lượng lao động sau này, thì họ sẽ tự di cư ra khỏi vùng. Hiện nay con số này đã lên tới 1,8 triệu người, đây là một điều rất đáng báo động.

    Việc thiếu hụt lao động chất lượng cao là một trong các nguyên nhân khiến vùng gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ tập trung ở ven biển, gần cảng, gần sân bay, những nơi có nguồn nhân lực tốt, hạ tầng tốt.

    Để phát triển nguồn nhân lực cho vùng cần tập trung vào 2 điểm căn cơ: Thứ nhất cần rà soát lại hệ thống đào tạo nghề của cả Trung ương và địa phương; Thứ hai là liên kết trong đào tạo nghề. Xác định nội dung đào tạo phải là những nghề nghiệp mà doanh nghiệp, xã hội cần và phù hợp với thực tiễn của vùng, chứ không phải những nghề mà chúng ta có. Đây là đặc thù riêng của Đồng bằng sông Cửu Long.

    Ví dụ, hiện nay vùng đang cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch, nông nghiệp hữu cơ thì chúng ta phải đào tạo ra những nhân lực làm việc trong các lĩnh vực đó.

    Bên cạnh đó, trong đào tạo nghề cần có sự liên kết với nhau. Có thể địa phương này đào tạo nghề này sẽ bổ sung, tương hỗ cho địa phương kia, chứ không nhất thiết là mỗi địa phương phải đào tạo tất cả các nghề. Không chỉ ở tỉnh này với tỉnh kia trong vùng mà còn có thể mở rộng liên kết vùng này với vùng khác để có được nguồn nhân lực cần, đúng và trúng.

    Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Bộ trưởng!

    Trước thềm Hội nghị “Công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra thông điệp "Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới" cho vùng. Trong đó nhấn mạnh 5 tư duy mới trong bản quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là nền tảng để mở ra các cơ hội mới, giá trị mới cho toàn vùng:

    Thứ nhất là chủ động kiến tạo phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường.

    Thứ hai là linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

    Thứ ba là đổi mới, cải cách mạnh mẽ, chuyển đổi nhanh mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng tập trung.

    Thứ tư là liên kết phát triển, hình thành và phát triển các hành lang kinh tế thông qua liên kết trong và ngoài Vùng ở tất cả các cấp độ.

    Thứ năm là bền vững, chiến lược lâu dài, nâng cao năng lực cạnh tranh theo hướng phát triển hạ tầng đi trước, tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của vùng.

    Đọc tiếp