Quỹ ngoại Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của Hoa Sen Group

Dragon Capital HSG
17:28 - 01/06/2023
Quỹ ngoại Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của Hoa Sen Group
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), nhóm cổ đông nước ngoài Dragon Capital đã bán ròng 1,75 triệu cổ phiếu HSG và không còn là cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group, HoSE: HSG).

Giao dịch này diễn ra vào ngày 25/5, đưa sở hữu của nhóm cổ đông Dragon Capital giảm từ 30,6 triệu cổ phiếu xuống còn 28,85 triệu cổ phiếu, tương đương giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 5,1% xuống 4,8%. Với giao dịch này, quỹ ngoại Dragon Capital không còn là cổ đông lớn của Hoa Sen Group từ ngày 29/5.

Cụ thể, trong phiên giao dịch, quỹ thành viên Amersham Industries Limited bán 250.000 đơn vị; Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) bán 500.000 đơn vị và Wareham Group Limited bán 1 triệu đơn vị.

Chi tiết giao dịch của nhóm cổ đông quỹ ngoại Dragon Capital ngày 25/5.

Chi tiết giao dịch của nhóm cổ đông quỹ ngoại Dragon Capital ngày 25/5.

Trong phiên 25/5, cổ phiếu HSG không có giao dịch thỏa thuận nào, như vậy giao dịch trên của Dragon Capital được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn. Tạm tính theo giá kết phiên 25/5 là 15.500 đồng/cp, ước tính quỹ ngoại này sẽ thu về hơn 27 tỷ đồng sau khi bán cổ phiếu.

Trước đó, ngày 31/5, cổ phiếu HSG của Hoa Sen Group đã bị HoSE đưa vào danh sách chứng khoán không chủ điều kiện giao dịch ký quỹ, do công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 430 tỷ đồng tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022 - 2023 (năm tài chính của Hoa Sen bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 31/9 năm sau).

Trên thực tế, trong 3 tháng đầu năm 2023 (quý 2 của niên độ tài chính), Hoa Sen đã có lãi trở lại sau 2 quý lỗ nặng trước đó, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 251 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ niên độ trước. Tuy nhiên do mức lỗ nặng 4 tháng cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu niên độ 2022-2023 vẫn ghi nhận lỗ 430 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 873 tỷ đồng.

Trong niên độ 2022 - 2023, Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên hai kịch bản. Kịch bản đầu tiên với phương án sản lượng thành phẩm 1,4 triệu tấn, công ty lên kế hoạch doanh thu 34.000 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 100 tỷ đồng, giảm 60%.

Kịch bản thứ hai tích cực hơn với sản lượng thành phẩm là 1,5 triệu tấn, ước tính doanh thu là 36.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ và lợi nhuận dự kiến 300 tỷ đồng, tăng 20%.

Với việc lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm, cho dù kịch bản lãi tối thiểu 100 tỷ đồng hay tối đa 300 tỷ đồng, công ty vẫn cách rất xa kế hoạch đặt ra.

Nhận định về thị trường thép trong năm 2023, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường đang thiếu đi sự hỗ trợ từ nhân tố quyết định chính là sản lượng tiêu thụ - nhân tố tác động trực tiếp đến doanh thu đồng thời là yếu tố cân bằng giữa giá đầu ra và đầu vào cho doanh nghiệp.

Tốc độ tiêu thụ chậm hiện tại được cho là nguyên nhân chính khiến biên gộp của nhiều nhà máy gặp sức ép từ cả đầu ra và đầu vào. Điều này đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022 đối với thị trường thép và có thể lặp lại cho đến khi thị trường bất động sản - xây dựng xác định được động lực tăng trưởng rõ ràng trong dài hạn.

Kết phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, cổ phiếu HSG giảm 1,3% xuống mức 15.200 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 9.092 tỷ đồng. Ảnh: TradingView

Kết phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, cổ phiếu HSG giảm 1,3% xuống mức 15.200 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 9.092 tỷ đồng. Ảnh: TradingView

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu đang chứng kiến sự hồi phục đáng kể so với vùng đáy 8.000 đồng/cp hồi tháng 11/2022. Tuy nhiên, cổ phiếu đã dao động quanh mức 15.000 đồng/cp kể từ tháng 2/2023 do chưa có sự bứt phá từ thị trường thép trong những tháng đầu năm. Kết phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, cổ phiếu HSG giảm 1,3% xuống mức 15.200 đồng/cp, tương đương vốn hóa gần 9.092 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp