![]() |
Theo báo cáo hoạt động tháng 2, quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã mua vào 54 triệu cổ phiếu VIB (tương đương 1,8% vốn điều lệ) từ Commonwealth Bank of Australia (CBA). Thương vụ giúp VIB trở thành một trong những khoản đầu tư lớn của Pyn Elite, chiếm tỷ trọng khoảng 5 - 6% trong danh mục quỹ.
Giao dịch giữa Pyn Elite Fund và CBA được thực hiện trong phiên ngày 5/3, trùng thời điểm cổ phiếu VIB xuất hiện một lệnh thoả thuận lớn với khối lượng hơn 127 triệu đơn vị, tương đương 4,26% vốn điều lệ.
Tổng giá trị giao dịch sang tay đạt hơn 2.600 tỷ đồng, với mức giá trung bình khoảng 20.500 đồng/cp. Như vậy, Pyn Elite Fund có thể đã chi khoảng 1.107 tỷ đồng để mua vào 54 triệu cổ phiếu VIB.
CBA từng là cổ đông chiến lược của VIB từ năm 2010 khi mua lại 15% cổ phần với giá khoảng 4.000 tỷ đồng sau một khoảng thời gian đàm phán từ năm 2009. Một năm sau đó, CBA đã nâng mức sở hữu tại VIB lên 20%.
Tuy nhiên, trong năm 2024, CBA đã đẩy mạnh thoái vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Australia trong việc giảm bớt đầu tư tại Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Trước khi giao dịch với Pyn Elite Fund diễn ra, CBA sở hữu hơn 140 triệu cổ phiếu VIB, tương ứng 4,7% vốn điều lệ.
Đánh giá về khoản đầu tư này, Pyn Elite Fund cho rằng VIB là một trong những ngân hàng dẫn đầu thị trường cho vay bán lẻ, bancassurance và thẻ tín dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, ngân hàng cũng đi đầu trong việc triển khai Basel III và đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.
Năm 2024, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VIB giảm xuống còn 18%, do ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng cho các khoản vay thế chấp. Tuy nhiên, Pyn Elite Fund kỳ vọng các khoản vay này sẽ có tỷ lệ thu hồi gần như 100% trong những năm tới, tạo động lực phục hồi cho VIB. Đồng thời, sự khởi sắc của nền kinh tế và cải thiện trong công tác thu hồi nợ sẽ giúp ngân hàng sớm lấy lại đà tăng trưởng.
Tại diễn biến liên quan, VIB vừa công bố thông tin về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào sáng ngày 27/3/2025. Địa điểm tổ chức tại Phòng họp Grand Ballroom, JW Marriott Hotel & Suites Saigon, góc đường Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, phường Bến Nghé, TP HCM.
Theo tài liệu trình đại hội, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024, đồng thời kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Ngoài ra, VIB cũng dự kiến trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2024, trong đó bao gồm kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa 7% vốn điều lệ, tương ứng số tiền cần chi ra để trả cổ tức là hơn 2.085 tỷ đồng.
Đại hội sắp tới cũng sẽ xem xét các phương án tăng vốn điều lệ năm 2025. Theo đó, HĐQT VIB đề xuất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, VIB dự kiến phát hành 417,07 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông và 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.
Trong đó, số lượng cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng. Còn cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Nếu hoàn tất 2 đợt phát hành nói trên, VIB sẽ tăng vốn điều lệ từ 29.791,2 tỷ đồng lên mức 34.040 tỷ đồng.