Dự án Thành phố thông minh phía Bắc sông Hồng của Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo. Ảnh: BRG. |
Dự án lớn nhất đang được triển khai tại khu vực này là Thành phố thông minh phía Bắc sông Hồng (BRG Smart City) được TP Hà Nội công bố triển khai vào tháng 11/2023 với tổng vốn đầu tư khoảng 4,2 tỷ USD, quy mô hơn 270 ha, nằm tại ba xã Vĩnh Ngọc, Hải Bối, Kim Nỗ, huyện Đông Anh.
Vị trí của dự nằm ngay chân cầu Nhật Tân, phía bên phải theo hướng từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố, trên trục đường Võ Nguyên Giáp.
Chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Phát triển Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (North Hanoi Smart City). Đây là liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản.
Các sản phẩm trong dự án bao gồm tháp tài chính 108 tầng, hàng chục tòa văn phòng chung cư hỗn hợp, hàng trăm biệt thự, nhà liền kề. Dự án sẽ được thực hiện trong 9 năm chia làm 5 giai đoạn, hoàn thành hạng mục cuối cùng vào cuối năm 2032.
Về hiện trạng, theo thông tin từ Sở Xây dựng TP Hà Nội, hết 6 tháng đầu năm 2024, thành phố thông minh này đang giải phóng mặt bằng, chưa triển khai đầu tư xây dựng.
Dự án thứ hai phải kể đến là Vinhomes Cổ Loa do CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC) - công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, với tổng diện tích hơn 261 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 18.300 tỷ đồng. Dự án có vị trí tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm huyện Đông Anh.
Phối cảnh Vinhomes Cổ Loa. Ảnh: Vinhomes. |
Hồi tháng 5 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao hơn 252 ha đất đã giải phóng mặt bằng cho VEFAC để thực hiện dự án. Dự án sẽ có 111,7 ha để xây dựng các công trình nhà ở tối đa 45 tầng. Bên cạnh đó, dự án sẽ có trung tâm thương mại, văn hóa, dịch vụ, giải trí, y tế và sinh hoạt cộng đồng. Dự kiến đến đầu tháng 3/2030 Vinhomes Cổ Loa sẽ đi vào vận hành.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 hồi tháng 4 năm nay, Chủ tịch HĐQT Vinhomes Phạm Thiếu Hoa cho biết, công ty hiện đang hoàn tất pháp lý cho Vinhomes Cổ Loa tại Đông Anh và có thể được mở bán trong năm nay.
Tiếp đến là dự án Công viên Kim Quy của Tập đoàn Sun Group với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.600 tỷ đồng, quy mô khoảng 101 ha nằm tại các thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc. Dự án đã được Sun Group động thổ vào tháng 9/2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai.
Phối cảnh Công viên Kim Quy. Ảnh: Sun Group. |
Dự kiến khi hoàn thành, công viên Kim Quy sẽ là một tổ hợp vui chơi giải trí và sự kiện đẳng cấp quốc tế, quy tụ các công viên chủ đề và công viên giải trí.
Trong số các dự án bất động sản quy mô lớn hiện diện ở Đông Anh, có dự án Chung cư Eurowindow River Park đã hoàn thành và đi vào vận hành. Đây là dự án được đầu tư bởi công ty TNHH Thăng Long thuộc Tập đoàn Eurowindow Holding với diện tích là 4,2 ha, tổng mức đầu tư là 1.991 tỷ đồng.
Phối cảnh chung cư Eurowindow River Park. Ảnh: Eurowindow Holding. |
Eurowindow River Park nằm trên trục đường Trường Sa, gần cầu Đông Trù, khu vực ngã ba sông Hồng và sông Đuống (thuộc xã Đông Hội, Đông Anh). Xung quanh dự án hiện chưa có nhà cao tầng khác được xây dựng.
Nhiều dự án lớn tìm chủ đầu tư tại Đông Anh
Bên cạnh những dự án hiện hữu, từ đầu năm đến nay, Hà Nội cũng công bố tìm chủ đầu tư cho các dự án khu đô thị mới tại Đông Anh, như dự án Khu đô thị thông minh - sinh thái tại các xã Tàm Xá, Vĩnh Ngọc, Xuân Canh; khu đô thị mới G8; khu đô thị mới G19.
Trong đó, dự án khu đô thị thông minh, sinh thái quy mô khoảng 268 ha, trong đó diện tích đất nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình theo quy hoạch chi tiết và bàn giao lại cho Nhà nước, chính quyền địa phương quản lý là khoảng 83,39 ha; đất dân dụng khoảng 165,8 ha; đất ngoài dân dụng khoảng 18,83 ha; quy mô dân số khoảng 38.500 người.
Tổng vốn đầu tư của khu đô thị này khoảng 35.183 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 2.090 tỷ đồng. Hiện nay, khu đất này chưa giải phóng mặt bằng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất. Tiến độ thực hiện đến hết năm 2031.
Hiện dự án này có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện là liên danh CTCP Tập đoàn Vingroup – CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn – CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Long Hải. Trong đó, Thái Sơn là công ty con do Vinhomes sở hữu 99,8%.
Dự án tiếp theo đang tìm chủ đầu tư là khu đô thị mới G8 tại xã Kim Chung với diện tích 46,6 ha, trong đó, phần đất không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là 1,88 ha và phần đất đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là hơn 44,6 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 13.258 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm kết thúc mở hồ sơ đăng ký dự án ngày 4/8, có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án này là Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO) tên trước đây là Vietracimex.
Dự án thứ ba đang tìm chủ đầu tư, cũng là dự án duy nhất tính đến thời điểm hiện tại chưa công bố có nhà đầu tư nào đăng ký là dự án khu đô thị mới G19 tại xã Kim Nỗ với diện tích 26,1 ha, tổng vốn đầu tư là 2.425 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 243 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất chủ yếu là đất nông nghiệp sử dụng ổn định trước ngày 1/4/2004 và đất mương đường nội đồng.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được Nhà nước quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024 - 2029.
Nhà đầu tư muốn thực hiện dự án cần phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 363,9 tỷ đồng, đã từng thực hiện một dự án tương tự. Hạn cuối cùng nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là ngày 11/8/2024.
Ngoài những dự án trên, trong danh mục 36 dự án thu hút đầu tư đợt 1 năm 2024 do UBND TP Hà Nội công bố hồi tháng 5/2024, huyện Đông Anh còn có 4 khu đô thị mới sẽ tìm chủ đầu tư trong thời gian tới gồm khu đô thị mới G3 tại xã Kim Chung và Đại Mạch, quy mô 79,9ha, tổng mức đầu tư 8.127 tỷ đồng; khu đô thị G13 tại xã Mai Lâm và Đông Hội, quy mô 44,2ha, tổng mức đầu tư 3.113 tỷ đồng; khu đô thị G8 tại xã Kim Nỗ và Kim Chung với quy mô 46,6ha, tổng mức đầu tư 3.153 tỷ đồng; khu đô thị mới G17 tại xã Nam Hồng, quy mô 20,6ha, tổng mức đầu tư 5.892 tỷ đồng.
Huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 185.08 km2, quy mô dân số hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch.
Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận Đông Anh đã được HĐND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ năm 2021 - 2026 thông qua tại kỳ họp thứ XII tháng 7/2023.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của TP Hà Nội ngày 7/8/2024, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh yêu cầu phấn đấu đến cuối năm 2024 huyện Đông Anh được công nhận thành quận.
Hà Nội thông qua Nghị quyết thành lập quận Đông Anh |
Hà Nội mở hồ sơ đăng ký thực hiện khu đô thị 33.000 tỷ đồng ở Đông Anh |
Đến năm 2025 đưa Thanh Trì và Hoài Đức lên quận |