Kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP |
Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 185,68 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người của huyện Đông Anh hiện có với 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, bao gồm: Đông Anh; Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh và Xuân Nộn.
Về địa giới hành chính, phía đông quận giáp thành phố Từ Sơn và huyện Yên Phong, Bắc Ninh; phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ.
Hiện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường gồm hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị, vệ sinh môi trường, kiến trúc cảnh quan.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Đình Cảnh cho biết, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đông Anh là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc thành phố Hà Nội.
Khu vực này có chức năng phát triển thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, khai thác cảnh quan sông Thiếp và đầm Vân Trì; trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của thành phố.
Những năm trở lại đây, huyện Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.
"Do vậy, việc thành lập quận Đông Anh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, hình thành tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo tiền để cho Đông Anh hoàn thành nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch đang được các cấp có thẩm quyền phê duyệt", Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.
Trước đó, trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương cho biết việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương này có cơ hội tăng cường thu hút đầu tư, khai thác tốt hơn tiềm năng của các xã, thị trấn, nâng cao đời sống nhân dân.
Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND chỉ đạo, rà soát các quy trình thủ tục để hoàn thiện, thống nhất để đủ điều kiện trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập quận Đông Anh.
Trong đó đặc biệt quan tâm việc lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 để trình Chính phủ phê duyệt, đảm bảo quy hoạch phù hợp với việc thành lập quận Đông Anh và 4 huyện còn lại theo kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị đặc biệt đối với thành phố Hà Nội.
Ban Pháp chế cũng đề nghị thành phố chỉ đạo huyện Đông Anh trong quá trình xây dựng huyện thành quận cần tập trung phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Huyện cũng phải kết hợp hài hòa giữa quy hoạch phát triển đô thị hóa nông thôn, giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống và đặc trưng của huyện.
Hà Nội hiện có 12 quận gồm Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên và 17 huyện gồm Đông Anh, Gia Lâm, Ba Vì, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.
Thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ có 3-5 huyện lên quận, trước mắt ưu tiên nguồn lực, hoàn thiện các tiêu chí đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận năm 2023