Sau 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng hơn 24%

EVFTA xuất nhập khẩu
08:32 - 11/11/2022
Trong 2 năm qua, EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và giúp quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
Trong 2 năm qua, EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và giúp quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong 2 năm đầu tiên thực thi EVFTA (từ 1/8/2020 - 31/7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tương đương trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019.

Ngày 10/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức Hội thảo đánh giá 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam từ góc nhìn doanh nghiệp. Sự kiện cũng nhằm công bố các nghiên cứu về tình hình thực thi hiệp định này của Việt Nam, từ góc nhìn các doanh nghiệp và thảo luận về định hướng để tận dụng được nhiều hơn nữa cơ hội từ Hiệp định.

Hiệp định EVFTA tạo điều kiện xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc ký kết, đưa vào có hiệu lực Hiệp định EVFTA là một thành công lớn của Việt Nam. Dù 2 năm qua thế giới gặp nhiều biến động, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc tận dụng hiệp định của doanh nghiệp 2 bên, nhưng các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi và giúp quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU hai năm đầu thực thi (từ 1/8/2020 - 31/7/2022) đạt 83,4 tỷ USD, tương đương trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% so với kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019 trước đó. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lần lượt lên 20,2% và 24,5% trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng sang thị trường EU, như mặt hàng sắt thép tăng 739%, máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc và thiết bị tăng 82,3%. Ngoài ra, mặt hàng giày dép và hàng dệt may cũng được ưa chuộng tại thị trường và có mức tăng trưởng tốt lần lượt là 7,7% và 8,3%.

Đặc biệt, một số mặt hàng Việt Nam chưa từng xuất khẩu sang EU do rào cản kỹ thuật đã có thể bước chân vào thị trường này, trong đó có thể kể đến nhóm hàng gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm có mức tăng trưởng trên 50%; các sản phẩm gốm, sứ cũng có mức tăng trên 25%, hàng rau quả tăng trên 15%.

EVFTA đã mở ra cơ hội xuất khẩu mới cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam, trong đó có thể kể đến gạo. Trước đây, mặt hàng gạo hầu như không xuất khẩu vào EU do không cạnh tranh được với mức thuế cao mà EU đặt ra. Nhưng hiện nay, hiệp định EVFTA đã cấp hạn ngạch miễn thuế nhập khẩu cho 80.000 tấn gạo mỗi năm cho Việt Nam.

Doanh nghiệp đã có sự chủ động tìm hiểu, áp dụng Hiệp định

Bà Cẩm Trang cho rằng, còn một yếu tố khác để đánh giá mức độ thực thi hiệp định của các doanh nghiệp, đó là lượng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa được cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) EUR.1 sau 2 năm đã đạt 18,7 tỷ USD, chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu sang EU, cao hơn con số 6,3% của mẫu C/O CPTPP và 7,7% của mẫu C/O VJ (Việt Nam - Nhật Bản)…

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý kể từ 1/1/2023, tất cả hàng hóa xuất khẩu sang EU đều cần đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ của EVFTA.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) lưu ý kể từ 1/1/2023, tất cả hàng hóa xuất khẩu sang EU đều cần đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ của EVFTA.

Đây không phải là một con số nhỏ vì ngoài ưu đãi của EVFTA, trong 2 năm vừa qua, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng quy tắc xuất xứ của GSP (là ưu đãi đơn phương trước đó EU cấp cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam) để hưởng ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên có một điểm các doanh nghiệp cần lưu ý là sau 2 năm thực thi Hiệp định, theo lộ trình kể từ 1/1/2023, tất cả hàng hóa xuất khẩu sang EU đều cần đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ của EVFTA.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI chia sẻ Kết quả Khảo sát doanh nghiệp về EVFTA, có tới 41% doanh nghiệp cho biết đã từng được hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ Hiệp định. Lợi ích phổ biến nhất là từ các ưu đãi thuế quan đối với hàng xuất - nhập khẩu và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, doanh thu, lợi nhuận.

Nguyên nhân có thể kể đến chính là các doanh nghiệp đã có hiểu biết nhiều hơn về Hiệp định. Theo Khảo sát, có tới 94% có hiểu biết về EVFTA (đây là tỷ lệ cao nhất trong số các FTA) và chỉ có 6% không có hiểu biết về Hiệp định. Như vậy, doanh nghiệp đã đi dần từ bước hiểu biết sơ về Hiệp định tiến tới bước áp dụng những quy tắc, ưu đãi của EVFTA cho việc kinh doanh của bản thân.

Triển vọng xuất khẩu trong tương lai nhờ EVFTA

Đối với xuất khẩu, 76% doanh nghiệp cho rằng EVFTA và các FTA khác sẽ tác động tới triển vọng kinh doanh trong vòng 3 năm tới. Trong số đó, tới 85% doanh nghiệp cho rằng những tác động này sẽ theo chiều hướng tích cực. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp lo ngại những biến động thị trường (47% doanh nghiệp đề cập), năng lực cạnh tranh hạn chế (46%), thiếu thông tin về cam kết và cách thức tận dụng (40%) sẽ là rào cản để các doanh nghiệp tận dụng EVFTA.

Kể từ đầu năm 2023, EU sẽ bắt buộc nhà xuất khẩu phải áp dụng các tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa của EVFTA thay cho GSP. Dù việc chuyển đổi này có những điểm khác biệt nhất định. Nhưng nếu như doanh nghiệp vẫn giữ được sự chủ động tìm hiểu và thực thi như trong 2 năm vừa qua thì có thể có niềm tin vào bước chuyển đổi thuận lợi từ tiêu chuẩn của GSP sang tiêu chuẩn của EVFTA.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI chia sẻ tại Hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI chia sẻ tại Hội thảo.

Riêng đối với ngành nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI cho biết, đây luôn là ngành được quan tâm trong tiến trình mở cửa. Bên cạnh những khó khăn, tồn tại, có nhiều ngành, sản phẩm trong nông nghiệp đã thể hiện năng lực thích ứng, tận dụng FTA để hội nhập và rất thành công.

Kỳ vọng rằng trong thời gian tới, xuất khẩu nông sản sang EU có thể tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bà Trang lưu ý rằng hiện nay, người tiêu dùng tại EU đang có xu hướng quan tâm đến các sản phẩm sạch, hữu cơ, tiết kiệm năng lượng, các yêu cầu kỹ thuật cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, theo bà Trang, doanh nghiệp cần chú trọng chuyển dịch và cải thiện để đáp ứng nhu cầu thị trường, tận dụng các ưu đãi.

Tin liên quan

Đọc tiếp