Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khẳng định Riyadh không đồng ý loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Ảnh: Reuters |
Việc giảm dần và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch được đưa vào dự thảo đầu tiên của thỏa thuận hành động vì khí hậu mà các đại biểu tới từ các quốc gia đang thảo luận. Để dự thảo này có thể được thông qua, khoảng 200 quốc gia tham gia vào hội nghị tại Dubai phải đi đến được quyết định đồng thuận
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khẳng định quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ “hoàn toàn không” đồng ý với đề xuất này. Ông cho biết: “Tôi có thể đảm bảo rằng không một ai – tôi đang nói về các chính phủ trên thế giới – tin vào điều này”.
Ông cũng đưa ra tuyên bố: “Tôi muốn thách thức tất cả những người công khai muốn loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch để tránh một cuộc khủng hoảng khí hậu. Nếu họ tin rằng đây là vấn đề về đạo đức thì cứ để họ tự làm điều đó và xem xem họ có thể làm đến đâu”.
Ngoài ra, Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia cũng nhận định các khoản quyên góp của các quốc gia phương tây cho quỹ khí hậu là “sự thay đổi nhỏ”. Quỹ dành cho các quốc gia dễ bị tổn thương – một thắng lợi lớn khi bắt đầu COP28 – cho đến nay đã thu hút được khoảng 655 triệu USD từ các nhà tài trợ.
Trước mắt, UAE – nước đăng cai tổ chức hội nghị năm nay – cam kết đóng góp 100 triệu USD cho quỹ này. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là khu vực phát thải lớn thứ hai trong lịch sử cam kết khoản tài trợ 246 triệu USD, với 100 triệu USD từ Đức.
Vương quốc Anh sẽ quyên góp 75 triệu USD. Về phía Mỹ - nước phát thải lớn nhất trong lịch sử, chỉ đưa ra cam kết trị giá 17,5 triệu USD, trong khi Nhật Bản cam kết 10 triệu USD. Những cam kết này đã nhận được sự hoanh nghênh nhưng cũng vấp phải một số phản ứng trái chiều, ví dụ như từ ông Ani Dasgupta, chủ tịch và giám đốc điều hành của nhóm phi lợi nhuận Viện Tài nguyên Thế giới.
Theo ông Dasgupta, các cam kết được coi là một dấu hiệu tích cực nhưng “thật đáng thất vọng khi Mỹ và Nhật Bản lại đóng góp quá ít“ với quy mô nền kinh tế của 2 quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia dễ bị tổn thương được dự đoán sẽ phải đối mặt với thiệt hại lên tới 580 tỷ USD liên quan đến khí hậu vào năm 2030.
Trong khi đó, ông Yasir Al-Rumayyan, chủ tịch tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Aramco của Saudi Arabia, cũng giữ thái độ tương tự. Theo hãng tin AFP trích dẫn bài phát biểu của ông, ông khẳng định việc yêu cầu các quốc gia đang phát triển hoặc chưa phát triển và yêu cầu họ thực hiện các biện pháp cắt giảm carbon là không công bằng, đặc biệt là “đối với những người không được tiếp cận với năng lượng”.