Sẽ sớm có chính sách phù hợp về thuế tối thiểu toàn cầu

THUẾ Việt nAM
17:14 - 19/03/2023
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. Ảnh: Quách Sơn
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh. Ảnh: Quách Sơn
0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ sẽ sớm có chính sách phù hợp về thuế tối thiểu toàn cầu tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2023 với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" ngày 19/3, các Hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị trải rộng nhiều ngành và lĩnh vực, đặc biệt là các chính sách thuế nhằm thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một trong bốn chủ đề được ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đề cập tại diễn đàn, với mong muốn Chính phủ sớm triển khai các nghiên cứu lập pháp và thủ tục lập pháp liên quan.

Cũng bàn về đến vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu, ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhấn mạnh, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu (GMT) sắp tới, EuroCham đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) - Ảnh: Quách Sơn

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) - Ảnh: Quách Sơn

Với thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), EuroCham kiến nghị cần đảm bảo rằng việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo EVFTA không bị mất tác dụng do tăng thuế TTĐB, vì nó sẽ làm suy giảm mục đích thúc đẩy thương mại song phương của hiệp định thương mại tự do.

Theo Eurocham, để giảm thiểu tác động bảo hộ của thuế TTĐB, Chính phủ có thể xem xét áp dụng hệ thống thuế TTĐB hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh, đồng thời miễn thuế TTĐB cho các sản phẩm dinh dưỡng tốt cho sức khỏe phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Eurocham cũng kêu gọi Chính phủ giảm hoặc miễn thuế TTĐB cho các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và đối với phương tiện giao thông thải ra ít carbon như xe điện.

Phản hồi kiến nghị từ các Hiệp hội, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh chia sẻ tại diễn đàn, để theo đuổi, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững, Việt Nam cần nguồn lực tài chính rất lớn từ trong nước và đầu tư từ nước ngoài.

Năm 2017, Việt Nam tham gia là thành viên thứ 100 cùng hành động Tuyên bố chung về việc thực hiện chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với mục tiêu cải cách hệ thống thuế, chống sói mòn nguồn thu, chống trốn thuế toàn cầu, lành mạnh hóa môi trường đầu tư, khơi thông các nguồn thu tiềm năng trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế, đầu tư toàn cầu và đặc biệt từ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số toàn thế giới.

Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, thời gian qua Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp cho nguồn thu nội địa quan trọng như khoản thu từ đất đai, chuyển nhượng bất động sản, các nguồn thu từ thương mại điện tử bao gồm hoạt động dịch vụ kinh tế số xuyên biên giới, tạo nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.

Trong chương trình BEPS, đặc biệt trụ cột 2, Việt Nam theo dõi sát động thái các nước trên thế giới và đã có báo cáo, kiến nghị cụ thể tới Chính phủ. Chính phủ đã có tổ công tác chuyên về trụ cột 2 với sự tham gia của các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đã đưa ra được quy chế hoạt động. Bộ Tài chính cũng đã có dự thảo các biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài ứng phó, tận dụng cơ hội từ các cải cách chính sách thuế toàn cầu.

Về các giải pháp chính sách thuế, trước mắt chúng tôi dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của OECD. Tiếp theo là ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh.

Về trung hạn, sẽ kiến nghị sửa đổi các ưu đãi thuế bảo vệ nguồn thu trong nước; ban hành thuế tối thiểu 15%; ban hành ưu đãi thuế theo hướng hỗ trợ các chi phí đầu tư, đào tạo lao động; hỗ trợ cho tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận diễn đàn. Ảnh: Quách Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận diễn đàn. Ảnh: Quách Sơn

Phát biểu kết luận diễn đàn, liên quan đến vấn đề về thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc tiếp