SGI Capital: Đà suy giảm lợi nhuận vẫn tiếp diễn trong nửa đầu 2023

SGI Capital CHỨNG KHOÁN
13:44 - 08/02/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Lần đầu tiên kể từ 2008, lợi nhuận một quý của toàn thị trường có mức giảm trên 30% so với cùng kỳ. SGI Capital cho rằng triển vọng kinh doanh nửa đầu 2023 của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục suy giảm.

Từ quý 4/2022, bước chân của doanh nghiệp Việt trở nên nặng nề hơn dưới áp lực từ môi trường kinh doanh nhiều thách thức hơn, từ lãi suất và lạm phát ngày càng cao cho tới nhu cầu yếu đi rõ rệt ở cả trong và ngoài nước. Kết quả kinh doanh đã phản ánh rõ điều này.

Theo thống kê của VNDirect sau mùa báo cáo tài chính vừa qua, tổng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán giảm 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã kéo tăng trưởng lợi nhuận ròng của thị trường năm 2022 xuống chỉ còn 7,1% so với 2021, thấp hơn nhiều so với dự báo của VNDirect là 16,7%.

Xét về nhóm ngành, lợi nhuận ròng của các nhà sản xuất thép niêm yết trong quý 4/2022 giảm sâu 155,6% so với cùng kỳ 2021, do suy giảm sản lượng tiêu thụ; biên lợi nhuận gộp giảm 1,8 điểm % so với quý 3/2022.

Ngành thực phẩm kéo dài xu hướng giảm với lợi nhuận ròng quý 2, quý 3 và quý 4 năm 2022 giảm 7,7%/13,8%/80,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng quý 4/2022 của ngành thực phẩm giảm mạnh là do Masan (MSN) ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 93,1% do trong quý 4/2021 công ty ghi nhận khoản thu nhập bất thường đáng kể (gần 5.700 tỷ đồng).

Các công ty chứng khoán tiếp tục ghi nhận lợi nhuận ròng sụt giảm mạnh 96,6% so với cùng kỳ 2021 do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 58,4%. Tính ra, các công ty thép, sản xuất thực phẩm và chứng khoán cùng nhau kéo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường giảm 24,8 điểm % trong quý 4/2022.

Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng hàng quý của các doanh nghiệp trên sàn (so với cùng kỳ). Nguồn: VNDirect
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng hàng quý của các doanh nghiệp trên sàn (so với cùng kỳ).
Nguồn: VNDirect

Ngân hàng và dịch vụ tiện ích là điểm sáng. Lợi nhuận ròng các ngân hàng niêm yết quý 4/2022 tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước, nhờ đóng góp của VCB (+53,9%) và BID (+88,8%) do giảm chi phí dự phòng.

Ngành dịch vụ tiện ích ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng cao nhất toàn thị trường (+30,4%), xấp xỉ mức tăng quý 3/2022 nhưng giảm mạnh so với đỉnh tăng trưởng trong quý 2/2022 (+88,7%). Trong đó, GAS là động lực chính, đóng góp 34,2 điểm %.

Ngân hàng và tiện ích cùng nhau đóng góp 7,6 điểm % vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý 4/2022 của thị trường.

Về nhóm bất động sản, bất chấp thời điểm khó khăn, lợi nhuận quý 4 của nhóm doanh nghiệp này vẫn tăng 0,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên kết quả này chủ yếu là nhờ hai doanh nghiệp lớn VIC (đạt 1.559 tỷ đồng lợi nhuận, so với quý 4/2021 âm 5.964 tỷ đồng) và VRE (+549% so với cùng kỳ). Đa số các doanh nghiệp bất động sản khác đều ghi nhận lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ như Kinh Bắc, Đất Xanh, Phát Đạt…

Lợi nhuận suy giảm vẫn là rủi ro chính của thị trường

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán trong báo cáo cập nhật ngày 7/2, SGI Capital cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trong hơn 2 tháng qua, một phần nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền nước ngoài mua ròng kỷ lục. Giai đoạn tới, tâm điểm thị trường có thể chuyển dịch qua triển vọng kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Lợi nhuận quý 4/2022 của các doanh nghiệp công bố cho thấy sự suy giảm mạnh ở nhiều ngành như bất động sản, thép, chứng khoán, bán lẻ... Lần đầu tiên kể từ 2008, lợi nhuận một quý của toàn thị trường có mức giảm trên 30% so với cùng kỳ.

Ngành ngân hàng dù duy trì được mức tăng trưởng nhưng xu hướng thu hẹp NIM và nợ xấu tăng có thể ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng lợi nhuận 2023. Khảo sát gần đây của SGI Capital cho thấy nhu cầu tín dụng đang thấp hơn kỳ vọng các ngân hàng khi nhiều khoản vay lãi suất cao được khách hàng chủ động tất toán, dư nợ mới tập trung vào các khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn.

Nguồn huy động có xu hướng dịch chuyển ngược lại từ CASA và tiền gửi ngắn hạn sang kỳ dài với lãi suất cao. Trong khi đó, chất lượng tài sản đang xấu đi nhanh, thể hiện ở lãi và phí dự thu tăng; nợ nhóm 2 tăng mạnh sẽ chuyển lên nợ xấu trong các quý tới.

Quỹ đầu tư cho rằng đà suy giảm lợi nhuận vẫn tiếp diễn trong quý 1 và quý 2 năm 2023 khiến định giá P/E của nhiều cổ phiếu trở nên bớt hấp dẫn. Điều này dù đã phần nào phản ánh trong mức giá hiện tại nhưng vẫn là rủi ro chính của thị trường.

Ngược lại, những yếu tố tích cực như lãi suất đã tạo đỉnh, nhà đầu tư ngoại mua ròng và tỷ lệ margin giảm 40% từ đỉnh sẽ giúp thị trường bớt áp lực cung trong những đợt điều chỉnh tới.

Phân tích thêm về tình hình vĩ mô thế giới, SGI Capital cho biết, thị trường toàn cầu gần đây có những cơ sở để kỳ vọng vào kịch bản “hạ cánh mềm”. Theo đó, lạm phát giảm nhanh khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương sớm đảo chiều chính sách, kinh tế thực vẫn đủ ổn định để chịu được một đợt suy thoái nhẹ.

Tuy vậy, thông điệp của Chủ tịch Fed vừa qua vẫn nhất quán khi cho rằng trong các yếu tố cấu thành nên lạm phát mới chỉ có giá hàng hoá giảm, giá thuê nhà sẽ có độ trễ và phần lớn các yếu tố liên quan tới thị trường lao động chưa có dấu hiệu giảm.

Do vậy, Fed và các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng nhẹ và duy trì mặt bằng lãi suất cao trong 2023. Áp lực này sẽ dần “ngấm” tới từng lĩnh vực, mà trước hết nhóm doanh nghiệp nhạy với lãi suất như công nghệ đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu, hạ giá sản phẩm, sa thải lao động.

Tin liên quan

Đọc tiếp