Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã: SHB) vừa phát đi thông báo về hiện tượng lợi dụng bối cảnh người dân tiến hành bổ sung/cập nhật thông tin sinh trắc học theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc cán bộ quản lý cơ quan Nhà nước, liên hệ người dân “hỗ trợ" nhằm chiếm đoạt tài sản, thông tin.
Theo khuyến cáo, các đối tượng liên hệ người dân bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook, Viber…) để “giả hướng dẫn” thu thập thông tin sinh trắc học.
Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân (CCCD), hình ảnh khuôn mặt, hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ, dáng điệu...
Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng lạ trên điện thoại. Những ứng dụng/phần mềm chứa mã độc này có giao diện, hình ảnh gần tương tự với ứng dụng chính thống của Bộ Công an, Cơ quan quản lý Nhà nước hay các tổ chức tín dụng.
Khi lấy được thông tin, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của người dân vào các mục đích xấu khác như vay tiền, ghi nợ, cá độ,...
Người dân tiến hành xác thực sinh trắc học để tuân thủ QĐ 2345/NHNN về giao dịch trực tuyến. |
Trước diễn biến phức tạp và hành động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, SHB khuyến cáo tới khách hàng: Chỉ cập nhật dữ liệu sinh trắc học thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử SHB Mobile/SHB SAHA hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch SHB trên toàn quốc. Không cung cấp, cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hoặc ứng dụng khác.
Tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu, số thẻ, thông tin cá nhân, hình ảnh CCCD, dữ liệu sinh trắc học... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. SHB không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như gọi điện, nhắn tin SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook…)
Trong trường hợp gặp khó khăn khi thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học hay khi thực hiện xác thực với các giao dịch trực tuyến theo quy định, khách hàng có thể thực hiện theo hướng dẫn đăng tải trên website hoặc liên hệ trực tiếp tại các quầy giao dịch, chi nhánh SHB.
Với trường hợp nghi ngờ hoặc phát hiện bất cứ tin nhắn, cuộc gọi, email có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng hãy liên lạc ngay với "Trung tâm Hỗ trợ khách hàng 24/7" của SHB theo hotline *6688, các điểm giao dịch SHB gần nhất hoặc cơ quan công an để được hỗ trợ.
SHB cho biết, khách hàng cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức thủ đoạn của tội phạm. Khách hàng cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, đó là tài sản bảo mật hợp pháp, không khai báo thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết.
Trước đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng khuyến cáo người dân cảnh giác trước tin nhắn, cuộc gọi yêu cầu, hỗ trợ cập nhật sinh trắc học khuôn mặt. Đồng thời, người dân tuyệt đối không ấn vào đường link lạ, không cài đặt phần mềm từ nguồn không xác định… Để phòng tránh, người dùng nên gọi đến trung tâm hỗ trợ khách hàng của ngân hàng, không tự ý cài các ứng dụng lạ, và đặc biệt tuyệt đối không cung cấp mật khẩu OTP. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo với các lực lượng chức năng, cơ quan công an địa phương nhằm truy vết đối tượng và kịp thời ngăn chặn. |