Việc tham gia GTFP sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước |
Theo nội dung thỏa thuận, SHB tham gia GTFP với tư cách là ngân hàng phát hành với hạn mức bảo lãnh tài trợ thương mại ban đầu do IFC cấp lên đến 75 triệu USD.
GTFP là chương trình cung cấp bảo lãnh thanh toán dành cho các ngân hàng từ các nước đang phát triển. GTFP cung cấp các bảo lãnh toàn phần hoặc một phần nhằm giúp các ngân hàng đối phó với các rủi ro liên quan tới quá trình thanh toán thương mại tại các thị trường mới nổi. Bảo lãnh được cấp cho tất cả các giao dịch thương mại tại khu vực kinh tế tư nhân đáp ứng được các tiêu chí của IFC.
Việc tham gia GTFP sẽ giúp SHB mở rộng mạng lưới ngân hàng đối tác toàn cầu, đồng thời góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về thương mại, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước.
SHB đã và đang triển khai nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hướng dòng tín dụng đến các dự án xanh, mang lại tác động tích cực đến môi trường, xã hội.
Chúng tôi hoan nghênh các chương trình có ý nghĩa như GTFP nhằm giúp các doanh nghiệp chủ động đối phó với những khó khăn về thanh khoản cũng như xu hướng giảm thiểu rủi ro.
Đồng thời, chương trình cũng sẽ giúp ngân hàng tăng tài trợ thương mại một cách đáng kể cho nhiều công ty xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong giai đoạn các nền kinh tế trên toàn thế giới đối mặt với nhiều biến động.
Cũng tại sự kiện, ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: “Thương mại là một động lực của tăng trưởng kinh tế, giúp tạo ra việc làm tốt hơn, giảm nghèo đói và gia tăng các cơ hội kinh doanh. Khoản tài trợ thương mại trị giá 75 triệu USD của IFC sẽ giúp nâng cao năng lực của SHB trong việc cung cấp các giải pháp tài trợ thương mại để hỗ trợ tốt hơn các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ chống chịu được các tác động của các cuộc khủng hoảng hiện nay, thúc đẩy thương mại và hỗ trợ tăng cường thanh khoản”.
Ông Thomas Jacobs – Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả giữa SHB và IFC trong thời gian qua |
Trước đó, vào tháng 3/2023, SHB và IFC đã ký kết thỏa thuận tín dụng cho khoản vay trị giá 40 triệu USD – khoản đầu tiên của tổng gói vay dự kiến 120 triệu USD từ nguồn vốn trực tiếp của IFC có kỳ hạn 3 năm.
Khoản vay nhằm hỗ trợ SHB phát triển danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng. Trong quá trình hợp tác, IFC cùng với các đối tác trong chương trình đã và đang đồng hành hỗ trợ và tư vấn cho SHB trong việc xây dựng chiến lược phát triển, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế.
Với những giá trị cộng hưởng kể trên, SHB sẽ có thêm nguồn lực và lợi thế để nắm bắt cơ hội, kết nối cung - cầu vốn hiệu quả hơn nữa, cũng như cho các kế hoạch dài hạn để tiếp tục tăng trưởng bền vững đồng thời mang tới cho khách hàng nhiều giải pháp tài chính hiệu quả.
Việc IFC và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đồng hành cùng SHB trong thời gian qua tiếp tục khẳng định uy tín và năng lực của SHB trên thị trường tài chính quốc tế, cũng như chiến lược đúng đắn của Ngân hàng trong việc phát triển an toàn, hiệu quả, mạnh mẽ, xây dựng nền tảng, bộ đệm vững chắc giúp SHB tăng trưởng ổn định và bền vững, đáp ứng đầy đủ, toàn diện các tiêu chuẩn an toàn, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế.
Về SHB, SHB là đối tác đồng hành của các định chế tài chính quốc tế lớn như WB, ADB, KfW, JICA… với giá trị hợp tác lên đến hàng trăm triệu USD khẳng định uy tín và năng lực của SHB trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời khẳng định định hướng của Ngân hàng trong việc phát triển an toàn, mạnh mẽ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chuẩn mực quốc tế.
Với phương châm hoạt động “Đối tác tin cậy – Giải pháp phù hợp”, SHB hướng tới mục tiêu ngân hàng số 1 về hiệu quả và công nghệ trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam năm 2027. Tầm nhìn tới năm 2035, SHB trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại trong Top đầu của khu vực.
Về IFC, đây là thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới - là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các thị trường mới nổi. IFC có mặt tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển.
Trong năm tài chính 2023, IFC đã cam kết đầu tư kỷ lục lên đến 43,7 tỷ USD cho các doanh nghiệp tư nhân và tổ chức tài chính ở các nước đang phát triển, tận dụng sức mạnh của khu vực tư nhân để chấm dứt tình trạng đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong bối cảnh các nền kinh tế phải đối mặt với tác động của các cuộc khủng hoảng kép toàn cầu.