Singapore là thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2022. Ảnh: Getty Images |
Theo Guardian, việc Singapore đứng đầu danh sách không có gì bất ngờ khi thành phố này từng được xếp hạng đắt đỏ nhất thế giới từ năm 2014 - 2019, trước khi bị Paris (Pháp) và Tel Aviv (Israel) soán ngôi vào năm 2020 và 2021.
Trong khi đó, đây là lần đầu tiên New York được xếp vị trí đầu danh sách. Ngoài ra, hai thành phố lớn khác của Mỹ là Los Angeles và San Francisco cũng lọt top 10.
Thành phố New York, Mỹ lần đầu tiên đứng đầu danh sách thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Getty Images |
Năm nay, Tel Aviv - thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021, được xếp ở vị trí thứ 3. Trong khi đó, thủ đô Moscow và thành phố St Petersburg của Nga đã tăng thứ hạng lên tới 88 bậc do các lệnh trừng phạt và giá dầu tăng cao đã đẩy giá đồng Ruble lên cao hơn. Damascus (Syria) và Tripoli (Libya) là hai thành phố xếp ở cuối danh sách.
EIU đã thực hiện khảo sát giá cả từ tháng 8 đến tháng 9 năm nay, dựa trên mức giá trung bình của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ tại 172 thành phố lớn trên toàn cầu. Theo đó, mức giá tại các thành phố đã tăng vọt trung bình 8,1% và là mức tăng mạnh nhất trong 20 năm qua kể từ cơ quan này thu thập dữ liệu.
Bà Upasana Dutt, người đứng đầu bộ phận ghi nhận chi phí sinh hoạt toàn cầu ở EIU, nhận định: “Cuộc chiến ở Ukraine, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và chính sách ‘Zero Covid’ của Trung Quốc đã gây ra các vấn đề về chuỗi cung ứng, cùng việc tăng lãi suất và điều chỉnh tỷ giá hối đoái, đã dẫn đến khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu”.
Hầu hết các thành phố khác của châu Âu đều tụt hạng do khủng hoảng năng lượng và nền kinh tế suy yếu đã đẩy giá trị của đồng Euro và các đồng nội tệ khác đi xuống. Giá gas và điện theo đồng nội tệ ở các thành phố Tây Âu đã tăng trung bình 29% (trong khi mức trung bình toàn cầu là 11%), vì khu vực này cố gắng loại bỏ việc sử dụng năng lượng của Nga.
Trong khi đó, các thành phố lớn ở châu Á có xu hướng không chịu ảnh hưởng nhiều như Singapore, với mức tăng chi phí sinh hoạt trung bình là 4,5%. Tuy nhiên, 6 thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc đều tăng hạng, trong đó Thượng Hải lọt top 20 trong danh sách.